Vua Tịnh-phạn vẫn nhớ mãi những lời dự đoán của tiên nhân A-tư-đà khi thái tử
mới ra đời. Nhưng lòng vua không nỡ tin rằng rồi đây thái tử sẽ bỏ cung vàng
điện ngọc mà ra đi.
Vua bèn suy nghĩ tìm mọi cách để ràng buộc, níu kéo thái tử ở lại với cuộc sống
hoàng cung. Ngày kia, vua quyết định sẽ cưới vợ cho thái tử, cho rằng đó là một
cách hữu hiệu để trói buộc ngài. Vua triệu thái tử vào và dạy rằng:
“Nay con đã lớn tuổi, phải lo liệu việc lập gia đình. Nếu con vừa ý nơi nào, cha
sẽ định liệu cho.”
Thái tử tâu rằng:
“Việc ấy con xin tùy quyền quyết định của phụ vương.”
Vua Tịnh-phạn liền truyền cho các quan gấp rút tiến hành việc chọn vợ cho thái
tử.
Tin mừng loan ra, khắp nơi trong nước nhân dân đều náo nức. Theo tục lệ bấy
giờ, người được thái tử chọn làm vợ có thể thuộc vào một trong ba giai cấp. Đó
là giai cấp bà-la-môn, giai cấp sát-đế-lỵ, tức là dòng vua chúa, và giai cấp trưởng
giả. Tuy nhiên, những công chúa các nước láng giềng hẳn là những người nuôi
nhiều hy vọng hơn cả.
Với tài ba và trí tuệ của thái tử vốn đã nổi tiếng khắp nơi vào lúc đó, nên các vị
công nương đài các nghe tin thái tử sắp chọn vợ thì từ khắp bốn phương đều đổ
về đông vô kể. Ai ai cũng hy vọng được lọt vào tầm mắt của vị thấi tử tài ba, anh
tuấn, vị vua tương lai của dòng Thích-ca.
Ngày chọn vị hoa khôi làm vợ thái tử rồi cũng đến. Người ta treo đèn kết hoa ở
khắp mọi nơi trong kinh thành. Người ta tổ chức nhiều cuộc vui để chào mừng
ngày trọng đại này. Và quan trọng hơn hết, người ta xây dựng một quãng trường
rộng lớn và đẹp đẽ, lộng lẫy, huy hoàng, là nơi thái tử sẽ đích thân đến chọn
người bạn trăm năm của mình.
Giữa quảng trường là một lễ đài cao rộng. Trên đó, thái tử ngồi sau một cái bàn
rộng và dài, trên chất đầy những đồ châu báu quý giá đủ loại. Tất cả các vị công
nương, công chúa đến dự buổi thi tuyển này đều đã chuẩn bị những bộ y phục