giờ nghĩ tới việc đặt một dấu chấm hỏi cho suy nghĩ của mình? Hầu hết
chúng ta đều để cho chúng "chạy lung tung", lang thang khắp các ngõ
ngách trong tâm trí. Những suy nghĩ rơi vãi, không được kiểm soát như
một chiếc xe đang phóng nhanh, nếu không kịp đạp thắng, tai nạn có thể
xảy ra. Một tâm trí không được kiểm soát thì đầy căng thẳng, lo lắng. Điều
này có thể gây ra nhiều tổn hại cho tinh thần lẫn thể chất của chúng ta.
Chúng ta cần biết dừng lại nếu muốn tâm trí hoạt động một cách tự nhiên.
Bản chất tự nhiên của tâm trí là bình an và một tâm trí bình an sẽ mang lại
sự sáng suốt. Khi nhìn sự việc một cách thông suốt, chúng ta sẽ không làm
lãng phí năng lượng tinh thần của mình. Tâm trí ta không bị chồng chất
nặng nề bởi những suy nghĩ không cần thiết. Căn bệnh tai hại nhất của tâm
trí chính là suy nghĩ quá mức, đặc biệt là suy nghĩ quá nhiều về người khác:
người ta làm gì, lẽ ra người ta phải làm gì, họ đã nói gì, ta muốn họ phải
nói gì, tại sao họ cứ nói thế... Những suy nghĩ này bào mòn sự thanh thản
vốn có trong tâm trí ta.
Nghĩ quá nhiều cũng giống như ăn quá nhiều. Sự nặng nề khiến cơ thể cũng
như tâm trí không thể duy trì được sự nhẹ nhàng và linh động. Chúng ta dễ
bị mắc kẹt vào những điều vụn vặt, và dần dà, những điều vụn vặt này trở
thành những điều to tát mà chúng ta không thể rũ bỏ được. Khi chúng ta
suy nghĩ quá nhiều, chúng ta thường thổi phồng sự việc và phản ứng quá
đáng. Và điều đó khiến chúng ta tạo ra những cảm xúc tiêu cực.
Quan sát sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tiếp nhận qua lời nói, cảm xúc và
thái độ, cũng sẽ tốt hơn nếu so với việc tham gia quá đáng hay phản ứng
thái quá. Việc quan sát mang lại cho ta lòng kiên nhẫn và sự sáng suốt để
suy nghĩ và hành động thích hợp. Quan sát cũng tạo nên một sự tập trung
vào nội tâm và cho phép nhìn thấy sự thật.
Chúng ta thường bị tác động bởi lời nói và ý kiến của người khác. Vì vậy,
để sự bình yên trở về với tâm trí, chúng ta cần cuộc hành trình hướng nội.