của nàng. Trong điển luật của triều Đại Hạ mặc dù chưa quy định anh em họ
không được lấy nhau, nhưng trong dân gian và triều đình đều có quy định
bất thành văn là họ hàng trong phạm vi ba thế hệ không được lấy nhau.
Nghĩ đến đây, A Vụ càng thấy đáng ghét, kiếp trước chính phi và hoàng
hậu của hắn đều lần lượt bị chết, A Vụ nghĩ hắn thực sự là khắc tinh của
nàng. Hắn vừa sinh ra đã khắc mệnh với mẫu hậu, khiến mẫu hậu hắn phải
chết, Long Khánh Đế cũng đối xử với hắn chẳng ra gì, cha con chẳng bao
giờ nhìn mặt nhau. Hai người vợ của hắn cũng chết, sau đó hắn không lập
hậu nữa, cuối cùng hắn gặp phải họa khởi binh, máu đổ khắp kinh thành.
Với sự tàn nhẫn và máu lạnh đó, rõ ràng số phận bắt hắn phải sống cô đơn
suốt đời, A Vụ không tin mạng của mình lại buộc chung với Tứ Hoàng tử.
Chỉ cần nghĩ đến thôi là nàng đã run rẩy.
Đương nhiên, cuộc hôn nhân này không phải là không có lợi. A Vụ
trong tương lai sẽ là Tứ Hoàng tử phi, chỉ cần chú ý bảo vệ tính mạng thì
còn sống ngày nào là có thể chăm sóc cho Trưởng Công chúa và các ca ca
thêm ngày ấy, tuyệt đối không để họ rơi vào cảnh tuyệt vọng, đau đớn. Mặc
dù nhìn thấy bao nhiêu điểm bất lợi, nhưng chỉ cần điều này, A Vụ đã có thể
chấp nhận được cuộc hôn nhân này. Nhưng cứ nghĩ sau này phải tận tâm hầu
hạ kẻ thù của mình, lại phải làm cái việc phu thê với một kẻ như vậy thì lông
mày của nàng chẳng thể nào dãn ra được. Huống hồ, cuộc sống trong nội
viện triều đình khác hẳn với bên ngoài. Thiên tử có thể lấy bảy mươi hai vợ,
số người trong nội viện của Hoàng tử cũng không ít, số người vợ trên sổ
sách là nhất chính nhị trắc, Long Khánh Đế chỉ hôn cho Tứ Hoàng tử không
chỉ ban chính phi, mà còn trực tiếp ban cho mỗi Hoàng tử thêm hai trắc phi
nữa.
A Vụ bị chỉ định làm chính phi của Tứ Hoàng tử Sở Mậu, hai trắc phi
của hắn lần lượt là Hà Bội Chân của phủ Trấn Quốc Công và con gái của
Tổng giám Đào Ứng Thời ở tỉnh Đông Tam là Đào Tư Dao.