vẫn không tiến triển gì, bác sĩ quyết định chụp MRI phần đầu. Nghe bác Đức
báo kết quả, tôi như chết lặng. Tôi không thể tin được con em họ hồn nhiên
tếu táo của mình lại cũng có một khối u trong đầu, và cũng thuộc dạng u
hiếm. Tại sao số phận nghiệt ngã lại gắn hai khối u vào cuộc đời của hai anh
em tôi cùng lúc như vậy? Một cảm giác vừa đau xót vừa uất ức hơn cả lúc
tôi biết tin mình bị bệnh. Và tôi bắt đầu hiểu hơn bao giờ hết cảm giác của
những người thân đang phải lo lắng cho bệnh tình của mình. Chắc ruột gan
của mọi người cũng đau đớn quặn thắt như tôi hiện giờ.
Nghỉ ngơi vài ngày, tình hình của Kiều Chinh có vẻ khá hơn một chút.
Cả nhà quyết định đưa ngay nó về Mỹ để trị bệnh dù nó cứ nằng nặc đòi ở
lại Việt Nam. Không ai khuyên được Kiều Chinh, nên bác Đức phải nhờ tôi
nói chuyện với nó:
- Tao biết mày muốn ở Việt Nam với bà ngoại và bác Đức, nhưng mày
phải về Mỹ để chữa bệnh. Tao cũng bị giống mày, nhưng lại không có điều
kiện để đi Mỹ. Mày phải thấy mày may mắn chứ.
Kiều Chinh trả lời một cách khó nhọc:
- Nhưng em muốn sống ở Việt Nam với bà ngoại, ba với anh Bi. Em chán
sống ở Mỹ lắm rồi.
- Mày phải về để chữa bệnh, khỏe xong mày lại về Việt Nam thăm mọi
người. Còn không sau này tao sẽ cố gắng qua Mỹ trị bệnh chung với mày.
Tao với mày sẽ nằm chung phòng bệnh để có anh có em, chịu không?
Kiều Chinh có vẻ xuôi xuôi với câu nói dối của tôi. Tôi cũng thừa biết,
dù là Mỹ hay bất kỳ nền y học tiên tiến nào thì cũng không thể trị lành được
u não. Tôi chỉ hi vọng khi về Mỹ khám lại, trong đầu Kiều Chinh chỉ là một
khối u gì đó ít nguy hiểm và có thể chữa lành. Hoặc ít nhất các bác sĩ ở Mỹ
có thể kéo dài thêm sự sống cho Kiều Chinh. Nó chỉ mới là con bé 21 tuổi,
vẫn còn đang đi học và còn bao nhiêu điều vui vẻ của cuộc đời vẫn chưa
hưởng thụ được.
Cuối cùng, Kiều Chinh cũng đã về Mỹ được an toàn. Lần đầu tiên trong
chuyến về nghỉ hè của nó, hai anh em không còn được đùa giỡn vui vẻ,