trò chuyện trực tiếp với bác sĩ. Nhưng lần này, tôi muốn đích thân được nghe
lời chẩn đoán của bác sĩ. Người khám và tư vấn cho tôi tên Thomas- một
người Mỹ gốc Ấn, được giới thiệu là có chuyên môn cao nhất khoa Ngoại
Thần Kinh. Để hẹn được ông, anh Mèo đã phải đặt lịch khám từ Việt Nam
trước đó một tuần. Thomas khác với hình dung của tôi (tôi rất thích tưởng
tượng ngoại hình của một người mình sắp gặp), nhưng gây ấn tượng và tạo
sự yên tâm cho người đối diện bằng vẻ điềm tĩnh và nụ cười thân thiện
(trong khi tôi rất ít khi thấy bác sĩ Việt Nam cười). Anh Chuột, anh Mèo trao
đổi rất nhiều với bác sĩ bằng tiếng Anh, mà tôi chỉ nghe được loáng thoáng
đôi chút (toàn từ chuyên môn không!). Tôi chỉ đoán ý là kích thước khối u
của mình lại đang tăng lên, nhưng tốc độ không nhanh lắm, vì chỉ mới to
hơn 6 tháng trước một chút. Cũng giống như bác sĩ Nho, Thomas cũng thẳng
thắn nói về những rủi ro nếu tôi phải phẫu thuật Nhưng lần này tôi cảm thấy
bình tĩnh hơn, một phần vì không hiểu được hết những gì ông nói, một phần
tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý đón chờ những tin tức chẳng tốt lành. Bác sĩ
cũng giải thích cặn kẽ những thắc mắc của chúng tôi về khối u, về quá trình
điều trị. Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhiều nhất là chi phí chữa trị vượt quá
dự tính.
- Giờ mình phải làm sao anh?- Tôi hỏi anh Chuột khi rời khỏi phòng bác
sĩ Thomas.
- Thì mình phải chữa trị thôi- Anh trả lời bình thản
- Nhưng mình kiếm đâu ra tiền?
- Anh cũng chưa biết, nhưng em đừng lo chuyện đó. Để anh với mọi
người tính.
Anh Chuột trả lời nhẹ bâng. Trước giờ, chuyện tính toán tiền bạc là điều
dở nhất của tôi (mà thật ra anh Chuột cũng chẳng giỏi lắm về chuyện đó). Đi
hát hai năm qua, dù show diễn nhiều, nhưng thật sự anh Chuột vẫn chưa thu
về được số tiền đã đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của tôi. Hát được bao
nhiêu tiền, anh em tôi lại đổ vào thực hiện album, quay MV… Giờ đột ngột
cần một số tiền lớn như vậy, tôi cũng không biết anh sẽ xoay sở thế nào? Tôi