hạnh tham gia nghi lễ tế Thần. Cô Nguyễn thị Hợi đứng chen trong đám
các cô gái chưa chồng hoặc có chồng, và các bà già, trẻ con, say mê coi
múa đèn, 12 chàng Lễ Sanh tay cầm đèn bánh ú và đèn hoa sen phất bằng
giấy mỏng đủ màu, vừa múa vừa bước đi chậm rãi, nhẹ nhàng, theo nhịp
kèn nhịp trống, với những bộ điệu ly kỳ, huyền bí, học tập từ lâu, trông rất
đẹp mắt.
Hết canh một (vào khoảng 8 giờ) thì xong lễ Múa Đèn, đến lượt đốt pháo
bông. Lê văn Thanh đã cởi lễ phực trao trả lại làng, và được thảnh thơi ra
ngoài đường, trước cổng đình, coi đốt pháo bông. Chàng len lỏi trong các
đám phụ nữ đứng hoặc ngồi từng nhóm, tụm năm tụm ba chung quanh đám
đất trống. Chàng cố tìm cho được cô Ba Hợi. Cô đứng một mình bên gốc
cây sầu đâu trên lề đường, tay dắt đứa em trai của cô, 6 tuổi. Lê văn Thanh
nhận được bóng dáng của cô, chàng mừng quá đỗi, nhưng chưa dám đến
gần. Cô Hợi vừa liếc thấy chàng, liền ngoảnh mặt ngó chỗ khác, vờ như
không đễ ý đến "Cậu Bốn Thanh".
Nhờ có bóng tối,và cô Hợi đứng tựa vào gốc cây sầu đâu, xa chỗ không
người, nên không ai trông thấy rõ. Lê văn Thanh bạo dạn, nhưng vẫn rụt rè,
bước... bước... bước nhè nhẹ ... còn xa cách cô Hợi độ một khoảng dài,
chàng không dám tiến tới nữa. Chàng chỉ sợ cô Ba Hợi la làng hoặc cất
tiếng chửi "ông bà ông vải" thì mắc cỡ cho chàng biết bao nhiêu.
Thiếu nữ thời bấy giờ, đối với bọn con trai lân la chọc ghẹo, nhất là các cậu
lì lợm, nếu được nàng ưa, thì nàng lặng lẽ nghe lời ong bướm, hoặc đối đáp
dịu dàng, tình tứ. Còn nếu cô gái không ưa mà chàng cứ đeo theo gạ gẩm
thì thế nào chàng cũng bị cô ấy chửi ngay cho một trận, hoặc la làng la xóm
rùm lên. Chàng trai xấu hổ, chỉ có nước cút đi một mạch.
Lê văn Thanh do dự, biết cô Hợi chưa bao giờ tỏ vẻ thương yêu chàng.
Nhưng chàng lấy cớ là trả lời bức thư Quốc ngữ của nàng gửi ba tháng
trước, nên chàng tiến đến bóng cây sầu đâu.
Chàng lễ phép chấp hai tay, khẽ cúi đầu chào theo tục lệ xưa:
- Thưa cô Ba đứng chơi.
Nàng quay lại cũng chấp hai tay, cúi đầu đáp lễ:
- Dạ thưa cậu Bốn.