Từ khi có Mặt Trận Bình Dân, đảng Cộng Sản Ðông Dương chủ trương xúc
tiến mạnh phong trào thanh niên thể dục, với mục đích ngầm là đào tạo một
lớp cán bộ cường tráng sẵn sàng hoạt động trong những công tác hăng hái
mạnh bạo. Do đó, phong trào thanh thiếu niên thể dục được phát động ồn
ào trong toàn xứ.
Một số nhà buôn lớn của Pháp-Việt-Hoa liền lợi dụng thời cơ, cũng như họ
luôn luôn lợi dụng bất cứ một biến cố nào để đầu cơ, hốt bạc.
Hưởng ứng sốt sắng nhất phong trào thể dục mới bùng dậy, một số nhà
nhập cảng xe máy và phụ tùng xe máy của người Pháp, cả người An nam ở
Saigon, liền tổ chức một cuộc “đua xe máy phụ nữ “ do một nhà tư bản An
nam, chủ nhiệm nhật báo Ðiện Tín ở đường Catinat đứng ra làm trung gian,
hô hào cổ xúy, với nhiều giải thưởng lớn.
Tờ Ðiện Tín là ấn bản quốc ngữ của tờ nhật báo Pháp “ La Dépêche “ của
tên thực dân khét tiếng De Lachevrotière.
Tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ, bọn con buôn này không có mục đích
nào khác hơn là tạo ra phong trào phụ nữ đi xe máy được bành trướng sâu
rộng, để chúng bán được thật nhiều xe máy và đồ phụ tùng xe máy do
chúng nhập cảng của Pháp. Ðó là món lợi rất lớn về thương mãi. Nên nhớ
rằng thời kỳ 1936 -1937, chỉ một số phụ nữ trung lưu xử dụng chiếc xe “
máy đầm “ mà thôi. Xe máy đầm là một “mốt mới“ lại đắt tiền. Một số phụ
nữ bình dân, lao động thì đi xe máy đàn ông, rẽ tiền hơn, nhưng cũng hãy
còn ít lắm. Chính bọn con buôn tổ chức cuộc đua xe máy phụ nữ muốn
nhắm vào thành phần lao động trong giới phụ nữ bình dân.
Ở Trung kỳ và Bắc kỳ, phụ nữ bình dân cũng như trung lưu, thượng lưu rất
ít đi xe máy. Riêng giới phụ nữ bình dân Hà Nội, nghèo hơn phụ nữ bình
dân Nam kỳ, họ có những phương tiện khác mỗi khi cần xê dịch đó đây mà
không tốn kém bao nhiêu. Ở Hà Nội, họ đi “tàu điện “ (tramway) từ Bưởi
xuống Bờ Hồ, hoặc từ Bờ Hồ lên chợ Ðồng Xuân, chỉ trả vài ba xu. Ở
nhiều thành phố, trong các gia đình lao động, người chồng đi làm việc bằng
xe máy thường đèo thêm người vợ trên “ bọt-ba-ga” (porte-bagage).
Biết rõ những hoàn cảnh đó, các nhà buôn nhập cảng xe máy cổ động một
cuộc đi xe máy phụ nữ từ Saigon ra Hà Nội, theo đường thuộc địa số 1