Nhiều người hỏi tôi về chuyện này, hỏi nhiều lần, đã có lần tôi đỡ sợ hơn.
Tôi không có cách nào để trả lời. Giống như tôi không rõ hồi tôi còn bé,
chừng như chưa biết nói, bố tôi đã dùng cách ấy để làm tôi không khóc
nữa.
Vì tôi rất sợ. Thật ra, cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nhìn kỹ người con
gái ấy. Nhưng ký ức tuổi thơ tôi, chỉ có bức tranh người con gái ấy là rõ
nét.
Lớn hơn một ít, tôi bắt đầu xác định: đôi mắt cô ta, giống như vừa xảy ra
một vụ tai nạn xe cộ; mũi cô ta, giống như một mệnh lệnh đen tối, là cái
thang dựng đứng trong tối; khoé miệng cô ta, là vực xoáy tai nạn; cô gái
này chừng như không có xương, ngoại trừ xương trán, xương trán nhẵn
nhụi; chỗ nào cũng đáng để châm biếm; áo cô ta giống như một cái ô lớn có
thể lôi tôi đi; còn má, còn ngón tay cô ta, không nghi ngờ gì nữa, giống hệt
một bộ phận cơ thể đã thối rữa.
Cô gái này cực kỳ nguy hiểm, mà tôi lại sát gần với nguy hiểm, chừng như
không còn sợ gì nữa, chỉ sợ cô ta thôi. Trong giờ lịch sử, trước tấm phim
đèn chiếu hình cô gái này, tôi có lần kêu thét lên, họng căng ra, bởi vậy
thầy giáo coi tôi là học sinh hư và phạt đứng, tiếp theo còn bị gọi lên phòng
giáo vụ để phê bình, giáo dục, đồng thời còn bị hỏi xem phải chăng tôi đọc
bản chép tay truyện vàng Trái tim thiếu nữ?
Từ đấy trở đi, tôi rất căm ghét cô gái trong bức tranh ấy, tôi căm giận tất cả
những ai tự xưng là trí thức, căm giận là căm giận, thế thôi! Khi tôi mở
rộng cánh cửa trái tim, sự phẫn nộ cứ co giật trong mạch máu, tôi gọi cảm
giác ấy là “căm giận”.
Nỗi sợ đối với bức tranh ấy, không nghi ngờ gì nữa, đã lấy đi tất cả những
gì thân yêu của tôi đối với bố mẹ, đồng thời quá sớm để tôi nhận ra rằng,
không thể hiểu nổi thế giới này.
Dần dần, tôi tìm được sức mạnh để chống lại nỗi sợ ấy. Đó là mặt trăng, là
ánh trăng, hoặc thứ ánh sáng giống như ánh trăng, đôi mắt, làn môi giống
ánh trăng; hoặc tấm lưng con trai giống như ánh trăng.