Lịch sử khoa học mang một giai đoạn có thể minh họa cho vấn đề này. Cuối thế
kỷ 19, nhà vật lý học Nam tước Kevin đưa ra một phép tính đơn giản, khẳng định
sau khi hình thành khoảng vài triệu năm, Trái Đất sẽ nguội đi và đóng băng,
không thể nuôi dưỡng sự sống. Kết quả này khiến các nhà sinh vật học và địa
chất học phản đối dữ dội, họ nhấn mạnh là Trái Đất đã hàng tỷ năm tuổi rồi. Về
sau, nhờ khám phá về hiện tượng phóng xạ của Marie Curie và các nhà khoa học
khác, người ta chứng minh được Nam tước Kevin đã sai. Lực hạt nhân trong lõi
Trái Đất, phát sinh từ những nguyên tố phóng xạ tồn tại lâu như urani, đã giữ cho
lõi này nóng suốt hàng tỷ năm.
Các nhà thiên văn phỏng đoán có thể các hành tinh lang thang cũng có lõi phóng
xạ giữ ấm. Có thể lõi này cung cấp nhiệt lượng cho các suối nước nóng và miệng
phun núi lửa dưới đáy đại dương, nơi hình thành những chất hóa học đầu tiên của
sự sống. Nếu số lượng hành tinh lang thang quả thật nhiều như một số nhà thiên
văn tin tưởng, thì nơi thích hợp nhất để tìm thấy sự sống trong thiên hà không
phải ở vùng sinh sống được của một ngôi sao, mà là ở các hành tinh lang thang
và vệ tinh của chúng.
HÀNH TINH KỲ LẠ
Các nhà thiên văn cũng đang nghiên cứu rất nhiều hành tinh kỳ lạ, một vài trong
số chúng không thuộc phân loại nào đã biết.
Trong phim Star Wars, hành tinh Tatooine một mình quay quanh hai ngôi sao.
Một số nhà khoa học chế nhạo ý tưởng này, cho rằng một hành tinh như vậy có
quỹ đạo không ổn định và sẽ đâm sầm vào một trong hai ngôi sao. Nhưng thực tế
đã ghi nhận được trường hợp hành tinh quay quanh ba sao, như trong hệ
Centauri. Thậm chí còn có hệ bốn sao, với hai cặp sao đôi quay quanh nhau.
Một hành tinh lạ khác lại có vẻ như cấu tạo từ kim cương. Nó được đặt tên là 55
Cencri e, lớn gấp đôi Trái Đất nhưng nặng hơn khoảng tám lần. Năm 2016, kính
viễn vọng không gian Hubble phân tích thành công khí quyển của nó - lần đầu
tiên chúng ta phân tích được khí quyển của một ngoại hành tinh đá. Trong khí
quyển hành tinh này có hydro và heli nhưng không có hơi nước. Kết quả nghiên