Tranh cãi nổi lên khi giới thiên văn quan sát các ngoại hành tinh quá cảnh trước
những vì sao xa xôi. Thông thường, khi di chuyển qua phía trước sao mẹ, một
ngoại hành tinh khổng lồ cỡ Sao Mộc sẽ làm độ sáng sao mẹ giảm đi khoảng 1%.
Nhưng một hôm, khi đang phân tích dữ liệu từ tàu vũ trụ Kepler về ngôi sao KIC
8462852, nằm cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng, họ kinh ngạc nhận thấy
một sự lạ lùng: vào năm 2011, có thứ gì đó đã làm ngôi sao mờ đi đến 15%.
Những bất thường như thế thường sẽ bị bỏ qua. Có lẽ khí cụ dùng khi quan sát đã
gặp trục trặc, điện áp tăng đột ngột tạm thời hoặc đơn giản là mặt gương kính
viễn vọng dính bụi.
Nhưng người ta lại thấy nó lần nữa vào năm 2013, lần này cường độ ánh sáng
ngôi sao giảm tới 22%. Khoa học chưa từng biết đến thứ gì có thể thường xuyên
làm giảm độ sáng của một ngôi sao ở mức như vậy.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy thứ gì tương tự ngôi sao này. Thật hết sức kỳ lạ.”
Tabetha Boyajian, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Yale, nói.
Mọi chuyện càng kỳ lạ hơn khi Bradley Schaefer thuộc Đại học Tiểu bang
Louisiana tìm lại các tấm kính ảnh cũ và nhận ra KIC 8462852 giảm sáng định kỳ
kể từ năm 1890. Tạp chí Astronomy Now viết rằng sự kiện này “đã khiến giới
thiên văn lao vào quan sát điên cuồng, cố gắng làm sáng tỏ cái đang mau chóng
trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành thiên văn.”
Cộng đồng thiên văn đưa ra một danh sách dài những lời giải thích khả dĩ. Nhưng
lần lượt, từng nguyên nhân quen thuộc đều bị nghi ngờ.
Thứ gì có thể khiến ánh sáng ngôi sao giảm mạnh đến vậy? Thứ gì đó to gấp 22
lần Sao Mộc? Có phải một hành tinh đang lao vào ngôi sao? Nhưng người ta đã
loại trừ những nguyên do trên bởi hiện tượng lạ này cứ lặp đi lặp lại. Một khả
năng khác là do bụi từ đĩa xoay trong hệ hành tinh. Khi một hệ hành tinh cô đặc
trong không gian, đĩa xoay khí bụi nguyên thủy có thể lớn hơn nhiều lần so với
chính mặt trời của nó. Có thể đĩa này quá cảnh trước ngôi sao và khiến nó giảm
độ sáng.
Nhưng điều này đã được gạch bỏ khi người ta phân tích ngôi sao và nhận thấy nó
là sao trưởng thành. Lớp bụi hẳn đã được cô đặc từ lâu, hoặc đã bị gió từ ngôi sao