TRỞ LẠI MẶT TRĂNG
Giữ vai trò trụ cột trong chương trình trở lại Mặt Trăng là tên lửa đẩy hạng nặng
SLS (Space Launch System: Hệ thống Phóng Không gian) kết hợp với tàu con
nhộng Orion. Cả hai tưởng đã “mồ côi” khi Tổng thống Obama cắt giảm ngân
sách vào đầu thập niên 2010, hủy bỏ chương trình Constellation. Nhưng NASA
đã cứu vãn thành công tàu Orion của chương trình Constellation và cả tên lửa
SLS, bấy giờ vẫn đang trong quá trình thiết kế. Tuy ban đầu được xây dựng cho
những sứ mạng hoàn toàn riêng biệt, nhưng SLS và Orion đã được kết hợp nhanh
chóng, tạo thành hệ thống phóng cơ bản của NASA.
Hiện tại, hệ thống SLS/Orion dự kiến sẽ đưa phi hành gia tiếp cận Mặt Trăng vào
giữa thập niên 2020.
Điểm đầu tiên nhận thấy ở SLS/Orion là nó không giống chút nào với hệ thống
tiền thân trực tiếp, tức tàu con thoi, mà giống tên lửa Saturn V. Gần nửa thế kỷ
qua, Saturn V đã trở thành vật trưng bày trong bảo tàng. Nhưng theo một cách
nào đó, ta có thể nói nó đã được tái sinh thành tên lửa đẩy SLS. Ngắm
SLS/Orion, ta có cảm giác thân thuộc.
SLS có thể mang tải trọng 130 tấn. Chiều cao của hệ thống là hơn 98 m, tương
đương tên lửa Saturn V. Thay vì ngồi trong tàu đặt ở hông tên lửa đẩy như khi sử
dụng tàu con thoi, các phi hành gia giờ đây sẽ ngồi trong “tàu con nhộng” đặt
trực tiếp ở đầu tên lửa đẩy, giống như tàu Apollo đặt trên Saturn V. Khác tàu con
thoi, SLS/ Orion chủ yếu dùng để chở người chứ không chở hàng hóa. Ngoài ra,
SLS/Orion được thiết kế để không chỉ đạt đến quỹ đạo Trái Đất tầm thấp mà
nhằm đạt vận tốc thoát ly Trái Đất giống Saturn V.
Tàu con nhộng Orion có thể mang theo bốn đến sáu thành viên phi hành đoàn,
trong khi tàu Apollo của Saturn V chỉ mang được ba người. Tuy vậy, không gian
bên trong Orion cũng chật hẹp như Apollo. Đường kính tàu gần năm mét, chiều
cao hơn ba mét và nặng hơn 25.800 kg (do tiết kiệm không gian là điều được ưu
tiên, nên phi hành gia trong lịch sử đều là những người nhỏ con. Yuri Gagarin
chẳng hạn, ông chỉ cao khoảng 1m58.)