xúc động mãnh liệt. Tác phẩm mang theo hồn ma hai đứa con của nhà văn,
một với tình nhân, một với vợ. Oki cất bản thảo đi và không nhắc đến nó
nữa. Phải nhờ Fumiko giục, ông mới cho xuất bản Cô gái mười sáu. Tác
phẩm thành công tức thì, hai mươi năm sau vẫn còn tái bản, và trở thành
một nguồn lợi nhuận lâu dài cho gia đình Oki.
Phần Otoko, nàng theo mẹ về Kyoto, tốt nghiệp trung học chậm mất một
năm, ghi tên vào trường mỹ thuật, và trở thành danh họa.
Văn nghệ sĩ nổi danh là người của quần chúng, và dư luận tinh ranh sau
cùng khám phá ra Otoko chính là cô gái 16 trong truyện. Khi cả hai nhân
vật của cuộc tình cùng nổi tiếng, thì chuyện riêng tư khó giữ được riêng tư.
Hơn 20 năm sau khi xa cách, Oki tìm lại được tung tích người xưa nhờ
những báo chí về hội họa đăng tải hình ảnh cũng như đời sống của nữ nghệ
nhân.
Tới Kyoto, sau nhiều đắn đo, Oki sau cùng cũng đánh bạo gọi điện rủ
Otoko nghe chuông chùa cuối năm với ông. Nàng nhận lời, đặt tiệc tại nhà
hàng gần một tu viện để nghe chuông. Nhưng nàng cũng cho Keiko tham
dự. Otoko lại thuê luôn hai cô ca kỹ để mua vui cho bữa tiệc nghe chuông.
Keiko phụ trách đón ông ở khách sạn và đưa ông tại ga khi ông trở về
Tokyo.
Oki cho rằng cố nhân vẫn chưa quên ông. Tránh gặp ông một mình trong
dịp tái ngộ, chẳng qua là nàng sợ không tự kiềm chế được khi tình xưa trở
lại. Oki không ngờ là tuy không lấy chồng và không có bạn trai, Otoko đã
chấp nhận mối tình đồng tính với cô học trò trẻ có sắc đẹp và cách sống bất
thường.
Hai người đàn bà khác nhau, một đam mê đến chỗ vô kỷ luật, một thùy
mị dịu dàng và cung cách. Họ cũng giống nhau, ở chỗ cùng là họa sĩ, cùng
yêu và bắt được cái đẹp, dù là cảnh mưa xuân trên núi, cảnh trăng rằm phản
chiếu trong bát rượu hay trên mặt hồ, cảnh phong lưu khu trà đình tửu quán
ven sông, cảnh nương chè, cảnh vườn đá...