khi còn trong thủ bút tưởng như tầm thường, trở nên khác hẳn khi in ra
sách. Về sau nhiều kinh nghiệm viết lách hơn, ông tự nhiên đoán được khi
đọc bản thảo viết tay, truyện sẽ như thế nào một khi in ra. Không phải khi
viết ông cố gắng hay cố ý, mà ông cũng không mảy may để tâm, sự cách
biệt giữa thủ bút và bản in không còn nữa. Ông đã biết cách viết như thể
thấy trang truyện đã in đặt ngay trước mắt. Phải chăng ông đã nắm được kỹ
thuật nghề văn.
Ông thường nói với những nhà văn trẻ, “Các cậu nên cho in vài trang
bản thảo của mình mà xem. Bản in sẽ khác bản thảo hoàn toàn, và các cậu
sẽ không ngờ sự khác nhau giữa chữ in và thủ bút lại dạy cho ta nhiều điều
hay như vậy...”
Sách vở thời nay in bằng mẫu tự khổ nhỏ li ti. Nhưng Oki đã tìm được
thú vui ngược lại. Chẳng hạn như ông đã đọc nhiều lần Truyện Gengi, loại
sách bỏ túi in chữ nhỏ, nhưng khi tình cờ tìm được một ấn bản xưa chữ lớn
khắc gỗ thì sự thưởng lãm hoàn toàn khác hẳn. Ông tò mò nghĩ những
người đọc tác phẩm này vào thời Heian qua một ấn bản tuyệt vời bằng mẫu
tự Kana thì đã thưởng lãm như thế nào. Thơ phú thời Heian cũng vậy. Với
các tác phẩm về sau, Oki đã gắng tìm đọc những thạch bản của Saikaku,
không phải vì hoài cổ mà vì muốn thật gần với bối cảnh hiện thực của văn
bản. Nhưng bây giờ mà đọc thủ bút của những tác giả đương thời viết
nguệch ngoạc ra để in máy, thì quả thật là tìm cái tinh tế không phải chỗ.
Khi cưới Fumiko thì ông không còn thấy khác biệt giữa bản thảo của
mình và sách đã in ra. Chẳng qua là Fumiko có nghề đánh máy thì ông giao
cho vợ đánh máy tác phẩm của ông. Chỉ có mỗi lợi điểm là dù sao bản đánh
máy lạnh, nên giúp cho ông khách quan để bắt được những khuyết điểm
cần hiệu đính. Vì vậy mà ông giao tất cả bản thảo của mình cho vợ.
Nhưng lẽ nào ông để vợ đánh máy Cô gái mười sáu? Giao cho vợ bản
thảo, ông có thể làm nàng mất thể diện và đau buồn. Như vậy thì tàn nhẫn
quá. Khi ông gặp Otoko, vợ ông mới hai mươi hai và vừa sanh con trai đầu
lòng. Tất nhiên nàng nghi ngờ và ghen. Có khi ban đêm nàng địu con lên