TỪ MURASAKI ĐẾN KAWABATA
THỤY KHUÊ
MỘT CÁCH ỨNG XỬ VỚI VĂN HÓA
Đất Nhật không xa đất Việt. Chữ Nhật và chữ Nôm cùng chung gốc Hán,
nhưng đối với người Việt, lịch sử và văn hóa Nhật dường như rất xa vời,
tuy hai dân tộc có cùng tiến trình lập quốc, xây dựng ngôn ngữ, sao chép
văn minh Trung Hoa, cùng tìm cách thoát khỏi nguồn gốc "Thiên triều" để
thiết lập bản sắc riêng của mình. Điểm khác biệt giữa Nhật Bản và các
nước láng giềng là người Nhật công nhận mình sao chép, họ phân tích và
tìm hiểu bản chất những điều vay mượn, từ đó, rút kinh nghiệm, giữ
khoảng cách với "nguyên bản", để xây dựng và đào sâu những nét riêng của
mình. Người Việt tránh đả động đến những điều mình "mượn" của Trung
Quốc, từ tên tỉnh, tên thành, đến tên vua... và coi truyền thống "chống ngoại
xâm" là niềm tự hào dân tộc, trong khi người Nhật gây khác biệt bằng sự
học hỏi và phát triển. Nhật Bản có nền hội họa lâu đời, nghệ thuật điện ảnh
độc đáo, trong khi chúng ta mới chập chững vẽ vời, bập bẹ quay phim.
Người Nhật có tay nghề, trong khi chúng ta vẫn còn là những người mới
tập việc.
Sự chênh lệch không chỉ bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX, vì Nhật "có"
Minh Trị thiên hoàng canh tân nước Nhật, như ta vẫn thường tự biện hộ,
mà thật sự chúng ta đã kém Nhật từ hơn ngàn năm trước, từ khi cả hai nước
còn trong thuở "ấu thời", chưa thoát khỏi ảnh hưởng nước Tàu, để thiết lập
một bản sắc văn hoá, tạo dựng một tâm hồn dân tộc riêng tư: chúng ta luôn
luôn "tài tử" trong khi người Nhật luôn luôn đạt tới sự "chuyên nghiệp".
Kawabata, nhà văn Nhật đoạt giải Nobel 1968, là một trưòng hợp tiêu biểu
cho tinh thần chuyên nghiệp này. Và trước ông chín thế kỷ, Murasaki đã là
một trong những nhà văn chuyên nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và của thế
giới.