quần chúng y như bao nhiêu viên chức khác . Với những người lớn tuổi hơn
như Xứ Nhu , hoặc ngay cả những người ít tuổi hơn nhưng được trọng vọng
như Nguyễn Thái Học , ông đều gọi là quan bác , hai tiếng mà ông học
được từ khi bắt đầu đi coi hát ả đào .
Nguyễn Thái Học cười xòa :
- Anh Cả cứ vẽ làm gì ! Mặc thế này , ngộ nhỡ có phải chạy cũng tiện !
Thực sự thì nhiều hôm Nguyễn Thái Học mặc đến hai ba lớp áo màu
khác nhau . Nếu nghi ngờ bị mật thám theo dõi , ông sẽ chạy vào một chỗ
vắng , cởi lớp áo ngoài , để chúng khỏi nhận diện . Có khi ông gắn râu , đội
nón , đeo kính râm hoặc kính cận . Nói chúng là thiên biến vạn hóa , mới có
thể bôn ba hoạt động cách mạng khắp Bắc Kỳ . Ông chủ trương gần gũi
đảng viên , cho nên hầu như chi bộ nào ông cũng có ghé thăm , ăn chung ,
ngủ chung với anh em để động viên tinh thần .
Ngồi trên sập gụ , Nguyễn Thái Học xoay người ngó ra cửa sổ , quan sát
mảnh vườn rau . Những gốc mít cổ thụ , những cây bưởi um tùm , tỏa bóng
mát quanh năm cho căn nhà xây lợp ngói . Cơ ngơi khá đồ sộ này là do
công lao gây dựng của Nguyễn Tiến một phần và một phần nhờ thừa hưởng
bổng lộc của cụ thân sinh vốn là một bá hộ giàu có nhất nhì làng Võng La .
Nguyễn Thái Học quay sang bảo Xứ Nhu và Phó Đức Chính :
- Mình bắt đầu đi thôi !
Nguyễn Tiến hiểu ý , gật đầu bảo mọi người :
- Thôi thế các bác cứ ở yên trong này . Để em ra cổng xem chúng nó
canh gát như thế nào . Có động tĩnh gì thì các bác cứ phóng ra ngõ sau , có
đến mấy lối nhỏ dẫn ra cánh đồng làng . Những anh em đang cuốc đất làm
cỏ phía sau nhà , đều là người của mình cả !