miếng cơm nào, em chỉ tập trung ăn thịt gà thôi. Quan điểm của em là cơm
thì ngày nào cũng có, còn thịt gà thì tháng mới được ăn một hai lần, tội gì
mà phải ăn cơm trong khi đang có thịt gà.
Mẹ em thường mua gà đã làm sẵn ở chợ, da nó nhẵn nhụi, được chà
nghệ vàng ươm, rất bắt mắt. Người ta mổ phanh bụng gà ra từ ngực kéo dài
xuống tận phao câu. Lòng mề để riêng, nếu thích thì cho vào luộc cùng gà,
còn không thì để xào với bí hoặc nấu với bánh đa. Bố em thường cho
nguyên cả con vào xoong để luộc. Nước vừa sôi là đã ngửi thấy cái mùi gà
béo ngậy xộc lên trong gió. Xong, bố em vớt gà ra cái rổ cho ráo nước. Da
con gà lúc này không còn nhăn nheo, vàng nghệ nữa mà đã chuyển sang
căng mọng, vàng sậm, toàn thân bao phủ một lớp bóng nhẫy, nhầy nhậy tiết
ra từ những thớ mỡ nần nẫn nằm sâu dưới da.
Từ lúc bố vớt gà ra rổ để trên bếp là lúc em bắt đầu thập thò nấp sau
cánh cửa dập dò, rình lúc không ai để ý là em mò tới ăn vụng: khi thì đoạn
lòng mề, lúc thì miếng tiết, miếng gan, bữa lại quả tim, quả cật. Lần ấy,
đang trốn trong buồng ăn vụng thì em nghe thấy bên ngoài tiếng bố quát rất
to và bực bội:
- Cô lại ăn vụng hả?
- Đâu! Em ở ngoài sân suốt nãy đến giờ, ăn lúc nào? - Mẹ em cãi bằng
giọng khá gay gắt.
- Không ăn? Không ăn mà hai hòn dái gà vừa mới đây xong đã mất
tiêu. Đây là hai hòn dái để lát nữa thắp hương cúng ông nội đấy! Cô có biết
lúc còn sống ông nội rất thích ăn dái không? Vậy mà cô lại nỡ ăn vụng dái
của ông! Cái loại con cháu mất dạy!
Mẹ em cũng không vừa, nhất là khi bị đổ oan, thế là bố mẹ em cãi
nhau to, rồi giận nhau, không ai thèm ăn uống gì, làm bữa đó một mình em
phải khổ sở cố ăn cho hết con gà".