- Đừng rửa em! Cứ để như vậy cho bố em ăn đi! Xét về khía cạnh
khoa học thì lớp bụi và cáu vàng đó chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi cho tiêu
hóa, giúp chống táo bón, đầy hơi, chướng bụng!
Không hiểu vì không muốn mất lòng khách, hay vì lý lẽ và cơ sở khoa
học của tôi đưa ra quá thuyết phục mà bố nàng cũng ngậm ngùi ăn cơm
bằng cái bát bụi bẩn, loang lổ ấy. Ông ăn cặm cụi, lặng lẽ, và mặt thì đỏ
bừng bừng, dù mới chỉ nhấp môi chút rượu.
Không biết thức ăn chế biến kiểu gì mà đang ăn tôi thấy đau bụng kinh
khủng, bụng sôi lên ùng ục. Tôi cuống cuồng lao vào nhà vệ sinh, ở trong
đó một lúc khá lâu, đến khi thấy bụng nhẹ bớt thì mới dám ra bàn ăn tiếp.
Tưởng là mọi việc đã yên, ai ngờ, đang ăn thì cô Tếch tự nhiên chau mày
lại, mặt nhăn nhó, cái mũi chun chun như mũi chó:
- Có mùi gì thối thế nhỉ?
- Ừ! Đúng là thối thật! - Chú Kim đang ăn cũng buông bát đũa đồng
tình.
Em Thảo có vẻ như đã biết được nguyên do, tôi thấy em ấy chạy thẳng
vào nhà vệ sinh, rồi lập tức quay ra, mồm oang oang như cái loa:
- Trời ơi! Ai vừa đi ỉa xong không xả nước! Thối quá!
Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi, đương nhiên rồi, bởi vì ai cũng
biết là tôi vừa vào nhà vệ sinh rất lâu...
- Cậu đi ỉa quên xả nước hả? - Chú Kim hỏi tôi bằng giọng thảng thốt
pha chút bực bội.
- Dạ vâng! Nhưng không phải là quên, mà xét về khía cạnh khoa học
thì việc xả nước ngay sau khi đi ỉa là một thói quen rất xấu và rất phản khoa
học vì...