đó là thái độ của tôi đối với nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa hiện thực xã
hội, mà đối tượng nghiên cứu chủ yếu của nó đã và vẫn là người lao động.
Tuy nhiên, tôi không hề tuyệt đối hoá bản thân khái niệm ‘người lao
động’, chỉ vì người lao động là ‘con người giản dị, tự nhiên’, đang cặm cụi
cày ruộng hay chăn nuôi. Qua xung đột giữa cái muôn thuở với cái hữu hạn
trong cuộc sống, người lao động đáng được chú ý và quan trọng tới mức
nào là tuỳ theo nhân cách họ ra sao, gánh nặng tinh thần họ lớn tới mức
nào, thời đại họ đang sống được thể hiện tập trung ở họ đến đâu. Vì thế, tôi
cố đặt Edigej - Bão Tuyết vào trọng tâm trật tự thế giới hiện thời, vào trung
tâm những vấn đề đang khiến tôi xúc động.
Edigej - Bão Tuyết không chỉ là người lao động bẩm sinh hoặc do tính
chất nghề nghiệp. Bác là người có tâm hồn cần mẫn, người có tâm hồn cần
mẫn sẽ đặt cho mình những câu hỏi mà những người khác cho rằng đã có
sẵn lời giải đáp. Và do vậy, những người kia làm việc một cách uể oải –
ngay cả khi họ làm điều tốt – và họ chỉ sống theo kiểu tiêu dùng.
Còn những người có tâm hồn cần mẫn dường như được liên kết bởi
một thứ tình nhân ái nào đó – họ luôn luôn có khả năng tự thể hiện không
giống người khác, họ có thể thấu hiểu, và nếu chưa hiểu thấu, thì họ lắng
vào suy ngẫm. Thời đại ta cung cấp cho họ những chất liệu để họ suy ngẫm
nhiều hơn bao giờ hết. Mạch ký ức của loài người đã giăng từ trái đất vào
vũ trụ.
Có lẽ mâu thuẫn bi đát nhất của giai đoạn cuối thế kỷ XX là thiên tài
của loài người thì vô tận, mà khả năng biến nó thành hiện thực lại quá mong
manh, chỉ vì những trở ngại chính trị, tư tưởng và chủng tộc do chủ nghĩa
đế quốc đẻ ra.
Trong điều kiện ngày nay, khi không chỉ xuất hiện các khả năng kỹ
thuật để bay vào vũ trụ một cách ổn định, mà các nhu cầu kinh tế và sinh
thái học của loài người còn buộc ta phải thực hiện khả năng ấy, thì việc thổi
bùng sự chia rẽ giữa các dân tộc, tiêu phí tiềm lực vật chất và năng lượng
tinh thần cho cuộc chạy đua vũ trang là tội ác quái đản nhất trong số các tội
ác chống lại con người.