Chỉ có giải toả sự căng thẳng trên thế giới mới có thể được coi là
đường lối chính trị tiến bộ hiện nay. Trên đời này không còn nhiệm vụ nào
quan trọng hơn.
Nếu loài người không học được cách sống hoà bình, họ sẽ bị huỷ diệt.
Không khí nghi ngờ, phòng bị, đối nghịch nhau là một trong những nguy cơ
tai hại nhất, đe dọa cuộc sống thanh bình và hạnh phúc của loài người.
Người ta có thể chịu đựng lẫn nhau, nhưng họ không thể suy nghĩ hệt
như nhau nếu họ vẫn còn là con người, vẫn duy trì các phẩm chất người của
mình. Ý muốn làm mất bản sắc cá nhân của con người từ xưa đến nay vốn
dĩ là mưu đồ của các vương triều, của bọn đế quốc và bá quyền.
Kẻ nào quên quá khứ, ắt buộc phải xác định lại chỗ đứng của mình trên
thế giới, kẻ nào bỏ mất kinh nghiệm lịch sử dân tộc mình và của các dân tộc
khác, sẽ bị loại ra khỏi bước phát triển lịch sử và chỉ có khả năng sống với
ngày hôm nay.
Chỉ cần nhắc qua cuộc ‘Cách mạng văn hoá’ ở Trung Quốc, sự thao
túng ý thức dân tộc, đẩy phép biện chứng phức tạp của cuộc sống xuống
mức độ vài câu trích dẫn từ cái gọi là ‘sách đỏ của Mao’, chỉ cần nhắc đến
vận mệnh của một dân tộc vốn có truyền thống lâu đời trên cái nền chính
sách bá quyền hiện nay của giới lãnh đạo Trung Quốc, sẽ thấy ngay sự
tương hợp giữa các hiện tượng ấy, nghe ra có vẻ rất viễn tưởng.
Quả vậy, thần thoại của người cổ đại, chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo của
Gogol, của Bulgakov hay của Markes, khoa học viễn tưởng… tuy hết sức
khác nhau song tất cả đều có sức thuyết phục, chính vì chúng gắn liền với
hiện thực. Yếu tố viễn tưởng phóng to một vài phương diện nào đó của hiện
thực, rồi sau khi công bố ‘luật chơi’, sẽ giới thiệu các phương diện ấy theo
kiểu khái quát triết lý, cố vạch rõ tiềm năng phát triển của những điểm đã
chọc lọc từ hiện thực.
Yếu tố viễn tưởng – đó là phép ẩn dụ cho phép nhìn cuộc sống dưới
góc độ mới mẻ, bất ngờ. Trong thời đại ta, các ẩn dụ đã trở nên đặc biệt cần
thiết chẳng những vì các thành tựu khoa học kỹ thuật thâm nhập vào lĩnh
vực viễn tưởng trước đây, mà chủ yếu là vì thế giới ta đang sống thật dị