Tiểu Mãn vẫn đau đầu.
Trước đây kiếm gạo cho vào nồi, bây giờ có gạo rồi nhưng nồi không đủ
dùng. Mở rộng sản xuất, không đủ vốn là một vấn đề lớn.
5
Hữu Ngư sau chuyện với Tiểu Mãn coi như ăn phải quả đắng.
Tiểu Mãn không làm nghiệp vụ của anh nữa, anh không còn thì giờ đâu
để trả thù. Công ty ở Thượng Hải kia càng ngày càng giao ít việc cho Hữu
Ngư, công việc dần dần chuyển sang tay Tiểu Mãn. Hữu Ngư không thể
chịu nổi, gửi cho công ty ở Thượng Hải một lá thư nặc danh, vạch trần
chuyện Tiểu Mãn mua đơn hàng, mua chuộc nhân viên nghiệp vụ. Thư gửi
đi nhưng không có tác dụng, công việc của Tiểu Mãn vẫn bình thường,
không những thế còn thêm mấy khách hàng khác đều là những công ty
ngoại thương và các hãng thời trang nổi tiếng.
Tiểu Mãn làm được như thế bởi anh có một tuyệt chiêu, để Hữu Ngư biết
không thể xem thường những nhân viên kĩ thuật từ xưởng may nhà nước ra.
Tiểu Mãn viết thư bảo đảm với Giám đốc các công ty có quan hệ, bảo đảm
chất lượng, bảo đảm không bị xà xẻo. Về khoản bảo đảm liêm khiết anh ghi
thật cụ thể, tuyệt đối không khấu trừ, không cho riêng nhân viên nghiệp vụ
tiền, lấy năm mươi phần trăm tiền gia công để làm tiền bảo lãnh các yêu
cầu ghi trong hợp đồng. Những công ty lớn gia công áo quần cho các
xưởng may nhỏ đều không yên tâm ở hai điểm đó, coi như Tiểu Mãn cho
khách hàng uống thuốc trợ tim.
Về điểm này Hữu Ngư không bằng Tiểu Mãn, anh ta nhớ đến Hồ Bằng.
Quan hệ giữa Hồ Bằng và Tiểu Mãn rất ít, trước mặt thì nhận là họ hàng, về
sau anh ta tìm hiểu thì ra không phải. Theo Hữu Ngư, Tiểu Mãn lấy Vân
Tài làm vợ, Hồ Bằng phải thù hận mới đúng.
Hữu Ngư tìm gặp Hồ Bằng, muốn lợi dụng anh. Anh ta hỏi Hồ Bằng,
Trung tâm thời trang là cái mỏ vàng, tại sao không đến đấy kiếm chác? Hồ
Bằng đành nói, phát tài cũng có số. Hữu Ngư cười: “Số với má gì, phải
liều. Thời buổi này những kẻ nhát gan chỉ chết đói, chỉ có kẻ bạo gan là
sống nổi”.