tranh nhau mua. Mấy hôm nay trong phân xưởng ồn ào bàn tán chuyện này,
những người có thể mua đều đã mua được.
Tiểu Mãn nghĩ, chuyện này hoặc giống như Hồ Bằng nói vẹn cả đôi
đường, giải quyết khó khăn thiếu vốn, công nhân cũng có lợi. Tiểu Mãn
yên tâm vì đã đáp ứng được mong mỏi của công nhân.
Hồ Bằng nói, bốn trăm nghìn Tiểu Mãn cần lúc nào cũng sẵn sàng, Tiểu
Mãn ngạc nhiên, anh chưa cầm tiền ngay, vì không thể trả nổi lãi suất.
Nhưng khoản tiền này trong tay Hồ Bằng cũng không ổn, anh cũng phải trả
lãi suất. Hồ Bằng bảo anh đã có cách.
Hữu Ngư có lần nói với Hồ Bằng, trong Trung tâm thời trang lãi suất
một hào hai xu có bao nhiêu anh lấy bấy nhiêu, hễ có tiền là có người tranh
nhau vay. Anh giới thiệu cho Hồ Bằng mấy xưởng may đang cần vay, Hồ
Bằng cho vay với lãi suất từ một hào rưỡi cho đến hai hào. Vì trong tay có
nhiều tiền, Hồ Bằng mạnh dạn hơn, không đắn đo trước sau như mọi khi.
Theo anh nói, anh đã nới rộng chính sách.
Người yêu cầu được tham gia quĩ hỗ trợ ngày một nhiều, công nhân của
các xưởng may khác cũng nhờ người để được tham gia. Hồ Bằng vẫn kiên
trì mỗi người chỉ được mua một cổ phần, như vậy người mua rất đông.
Dùng hết hai chục cuốn phiếu thu, Hồ Bằng thực thi quản lý số hóa, cứ
năm chục người thành một nhóm, hoặc lấy tên xưởng làm đơn vị, đến kì
anh sẽ chỉ định tổ trưởng hoặc người phụ trách phát tiền lãi.
Dùng người ngoài không đủ tin, Hai Hiến người bà con ở quê hồi Văn
Hòa bị cách li rất được việc, người cũng nhanh nhẹn, Hồ Bằng khuyên Hai
Hiến hãy tạm nghỉ buôn bán để giúp anh làm một số khoản thu và chi lãi.
Ngoài xã hội cũng có một số người tham gia quỹ hỗ trợ, điều này Hồ
Bằng không muốn nhưng không có cách nào ngăn cản. Tháng nào cũng
chia lãi, tháng nào cũng có lãi là sự hấp dẫn đối với bất cứ ai. Hai nghìn
đồng làm gì để mỗi năm được gấp đôi, nhưng mua cổ phần quĩ hỗ trợ mỗi
năm được lãi những hai nghìn bốn trăm đồng. Đấy không phải là cái bánh
vẽ, là cái bánh rất thật, mỗi tháng cắt ra một miếng bánh thơm ngon.