Mục tiêu chính là sử dụng bản “demo” giúp khách hàng hình dung giải pháp
của bạn và kiểm chứng xem nó có giải quyết được vấn đề của họ không.
Đa số khách hàng phát biểu về vấn đề thì giỏi, nhưng hình dung giải pháp lại
kém.
Từ demo được sử dụng với nghĩa rộng, để chỉ bất cứ điều gì có thể đại diện
một cách hợp lý cho giải pháp thực tế. Giả định ở đây là việc xây dựng “giải
pháp đầy đủ” tốn nhiều thời gian và có thể dẫn đến lãng phí nếu giải pháp
không đúng hoặc có những tính năng không cần thiết. Bạn muốn xây dựng
một giải pháp vừa đủ (hoặc một thứ gì đó tương tự, như ảnh chụp màn hình,
một mẫu thử nghiệm, v.v...) để bạn có thể trình ra trước khách hàng nhằm đo
lường phản ứng của họ và xác định thêm các yêu cầu đối với sản phẩm khả
thi tối thiểu (MVP).
Đối với các sản phẩm phần mềm, các bản mô phỏng và video là một cách
tuyệt vời để “demo” giải pháp dự định. Với các sản phẩm hữu hình thì bạn
có thể dựa vào các bản phác họa, các mô hình thiết kế máy tính hỗ trợ
(CAD), hoặc thậm chí các mẫu thử nghiệm nhanh được chế tạo bằng đất sét
hoặc in ٣D.
Bất kể bạn sử dụng phương tiện nào cho bản demo, hãy ghi nhớ những
nguyên tắc sau:
Các bản demo cần có khả năng thực hiện được.
Tôi có nhiều người bạn làm ở các studio thiết kế với đội ngũ đặc biệt chỉ để
xây dựng các bản demo cho người dùng sớm. Những bản demo này là một
phần của quá trình bán hàng và mọi người rất chú trọng, nhưng chúng
thường dựa trên các công nghệ (như Flash) vốn không có trong sản phẩm
được xây dựng cuối cùng. Mặc dù khá hiệu quả trong việc bán hàng nhưng
chúng khiến công việc của đội triển khai trở nên khó khăn – với nhiều yếu tố
“hào nhoáng” đôi khi không thể tái tạo được. Điều này dẫn đến sự thiếu kết
nối giữa cái được cam kết (chào mời) và sản phẩm cuối cùng được cung cấp.