Tin tốt lành là Mô hình Tinh gọn tự động nắm bắt những điểm bất định vốn
cũng là rủi ro – tổn thất ở đây có thể được lượng hóa trên cả hai góc độ: chi
phí cơ hội và chi phí thực tế. Tuy nhiên, các rủi ro này không như nhau.
Bạn định lượng rủi ro trong mô hình kinh doanh bằng cách tính xác suất của
một kết quả cụ thể và xác định tổn thất đi kèm trong trường hợp bạn sai.
Đây là một bước quan trọng trong tiến trình ưu tiên những thành phần rủi ro
nhất của mô hình kinh doanh và xác định mô hình cần ưu tiên xuất phát.
Chẳng hạn, trong nghiên cứu tình huống “Tôi đã lặp cuốn sách này như thế
nào” ở Chương 2, tôi không coi định giá cho cuốn sách là phần nhiều rủi ro.
Lý do là tổn thất của việc không có ai mua sách tuy lớn, song xác suất xảy ra
sẽ thấp miễn là tôi viết một cuốn sách “hay”. Đó là lý do tại sao tôi đã sớm
chuyển trọng tâm sang kiểm tra “Mục lục” thay vì giá.
Rủi ro trong một dự án khởi nghiệp có thể chia thành ba loại chính, như
được liệt kê ở đây và mô tả trong Hình 4-1.
Rủi ro sản phẩm
Xác định đúng sản phẩm .
Rủi ro khách hàng
Xây dựng con đường phù hợp để tiếp cận khách hàng.
Rủi ro thị trường
Xây dựng một hệ thống kinh doanh hữu hiệu .
Giải quyết cùng lúc tất cả những rủi ro này có thể là một công việc khó
khăn, đó là lý do tại sao bạn cần ưu tiên xử lý chúng dựa trên giai đoạn của
sản phẩm và giải quyết một cách có hệ thống.