H.2.17-18. Bích họa Hoa Sơn [Tưởng Bính Chiêu.. 1998: 269]
Có 4 thuyết bàn về nội dung bích họa, gồm (1) lễ thề nguyền trước khi xung
trận; (2) lễ mừng chiến thắng; (3) lễ mừng bội thu sau mùa đi săn; (4) lễ tế thủy
thần, trong đó thuyết thứ 4 thuyết phục hơn cả. Niên đại được xác định vào
khoảng nửa cuối thiên niên kỷ I trCN, không lâu trước khi quân Tần tấn công
Lĩnh Nam.
Các bức bích họa Hoa Sơn được thực hiện theo những quy tắc nhất định:
(1) phối hợp nhiều góc nhìn (bỏ qua quy tắc tả thực trong không gian ba
chiều); (2) phóng to – thu nhỏ tùy vào chủ đích nhấn mạnh (chẳng hạn hình
người có to có nhỏ, được thể hiện theo địa vị xã hội; cái hồn của bích họa thể
hiện qua các chi tiết tay, chân, đầu); (3) tính biểu trưng–ước lệ, thể hiện rất
sinh động qua các chi tiết hoa văn phối hợp (trống đồng chẳng hạn). Phương
thức vẽ khá bộc trực, chủ yếu dùng bột màu đỏ sẫm vẽ bằng tay hay dùng cành
cọ lông thú, lược bỏ các chi tiết nhỏ, phối cảnh, quan hệ không gian xa gần, cốt
chỉ để diễn tả nội dung trực tiếp nhất, sinh động nhất.
Ngoài bích họa Hoa Sơn, hàng loạt bích họa tương tự có quy mô nhỏ hơn
được tìm thấy rải rác ở các nơi khác ở Trung Quốc như Nam Thương (Vân
Nam), Hoa An (Phúc Kiến); ở Việt Nam như hang Đồng Nội (Hòa Bình), Sapa
(Lào Cai).