Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng là diễn biến các phong tục lễ tết, lễ
hội qua các thời kì lịch sử văn hóa do những tác động của hoàn cảnh lịch sử –
xã hội. Do hạn hẹp về tư liệu và tầm hiểu biết, chúng tôi tạm thời chưa bàn
đến.
2.3.3. Nghệ thuật
Trong phần này chúng tôi chủ yếu khảo sát nghệ thuật vẽ bích họa (tranh
trên vách đá) và nghệ thuật trang trí đồ gốm, đồ đồng của lĩnh vực nghệ thuật
hình khối cùng các phương diện của nghệ thuật thanh sắc.
Trong nghệ thuật hình khối Lĩnh Nam xưa, đầu tiên phải kể đến bích họa.
Có lẽ di chỉ Hoa Sơn (Quảng Tây) là nơi thể hiện sinh động hơn cả. Tổng cộng
hơn 16 địa điểm được vẽ, kéo dài trên 200 km, trong đó bức họa Hoa Tiên bên
bờ sông Minh Giang (Ninh Minh, Quảng Tây) là lớn nhất, rộng khoảng 135 m,
tổng diện tích bề mặt lên đến 6.000 mét vuông, số mô típ được vẽ nhiều nhất
(người, động vật (ngựa, chó), các dụng cụ sinh hoạt (la, trống) v.v.) [Châu
Tông Hiền 1985]. Tác giả Lâm Úy Văn [1990: 90] cho rằng các mô típ bích
họa này rất gần gũi với các mô típ trên hoa văn trống đồng Đông Sơn, trong
khi Jeffrey Barlow [2005] khẳng định người Lạc Việt cổ là chủ nhân của
chúng. Tuy vậy, vẫn có thuyết cho chúng là sản phẩm của người Âu Việt. Xét
theo loại hình, chúng tôi thiên về giả thuyết Âu Việt.