quan hệ mật thiết với tục ăn trầu phổ biến ở khắp Việt Nam, ở Nam Trung Hoa
(Hồ Nam, Lưỡng Quảng), Đài Loan và Đông Nam Á.
Tục nhổ răng cửa không phổ biến lắm. Hiện tại người ta tìm thấy dấu vết
của cổ tục này qua các di vật khảo cổ tìm thấy trong các di chỉ chùa Kim Lan,
di chỉ Hà Đãng thuộc Quảng Đông [Dương Thức Đình 1981]. Tuy nhiên, có
thể đây là nghi thức thành niên hay các nghi lễ sha-man nội tộc.
2.3.2.2. Trong lĩnh vực lễ tết và lễ hội, nhiều hoạt động mang các đặc trưng
phổ biến chung cho cả vùng văn hóa Lĩnh Nam: tính cộng đồng, thể hiện các
ước vọng sinh sôi, ước vọng may mắn và tưởng nhớ tổ tiên. Điểm khác biệt có
chăng là các tiểu tiết liên quan đến hình thức.
Lễ tết, lễ hội Lĩnh Nam có thể phân theo không gian và thời gian. Các lễ tết,
lễ hội theo không gian mang các màu sắc địa phương nên ít có sử liệu hoặc các
dấu vết còn để lại để bàn sâu, tạm thời chúng tôi chưa tiếp cận được. Thay vào
đó, luận án tập trung vào lễ tết, lễ hội theo thời gian vốn vẫn được duy trì cho
đến hôm nay.
Lấy thời gian làm tiêu chí, ta tiếp tục chia thành các lễ tết theo trăng (tết
rằm) và các lễ tết theo ngày tháng ứng với số lẻ (1 tháng giêng, 3 tháng ba, 5
tháng năm..).
Các cộng đồng cư dân Lĩnh Nam cổ dùng lịch kiến Tý, do vậy ngày mở đầu
năm mới là ngày đầu tháng 11. Nhiều dấu vết của phong tục này còn tìm thấy
rải rác trong truyền thống dân gian các tộc người Choang, Đồng, Bố Y (Trung
Quốc), người Khơ-mu, một số địa phương người Kinh thời trung đại (Việt
Nam) [Trần Ngọc Thêm 2001].
Sau tết Xuân phải kể đến các nghi lễ hội xuống đồng đầu xuân, tiêu biểu
như lễ hội tam nguyệt tam của người Choang, lễ hội lồng tồng của người Tày,
Nùng ở Việt Bắc, lễ hội xuống đồng người Việt Bắc Bộ v.v. Đây là dịp củng cố
quan hệ cộng đồng, cùng hước đến những mục tiêu cao cả nhất là tưởng nhớ tổ
tiên và cầu mong vụ mùa bội thu. Theo khảo cứu riêng của chúng tôi, lễ tết
ngày 3 tháng ba vốn có nguồn gốc Bách Việt, tức xuất hiện trước phong tục tết
Hàn thực của người Hán, và mang ý nghĩa hoàn toàn phương Nam. Nhiều dân
tộc được cho là hậu duệ hay có quan hệ mật thiết với Bách Việt cổ vẫn tổ chức