Giai đoạn văn hóa này bắt đầu từ trung kì thuộc Đường cho đến tk. X, khi
mà văn hóa Hán đã có chỗ đứng không thể lay chuyển được ở ba tiểu vùng Âu
Việt, Lạc Việt và Đông Lạc Việt. Kết thúc thời thuộc Đường, nhà Tống tiến
hành phân phần đất ba tiểu vùng này thành hai đạo trên cơ sở văn hóa – kinh tế
các tộc người, gồm Quảng Nam Tây Đạo, gọi tắt là Quảng Tây; và Quảng
Nam Đông Đạo, gọi tắt là Quảng Đông [tư liệu điền dã 2008]. Sự hòa trộn giữa
nền tảng văn hóa Bách Việt (Âu Việt, Nam Việt, Đông Lạc Việt) và văn hóa
Hán tại các địa phương này không ngừng được củng cố, cuối cùng hình thành
vùng văn hóa Hoa Nam truyền thống.
Tiểu vùng Tây Lạc Việt từ cuối thuộc Đường đã bắt đầu vận động cho sự tái
độc lập chính trị nhờ vào nền tảng vững chắc của văn hóa Bách Việt cổ. Năm
938 Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bách Đằng, mở đầu cho
một kỷ nguyên mới: văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Đi từ đỉnh cao văn
minh Đông Sơn sang các thời kì tranh chấp, hòa nhập văn hóa Hán đến thời kì
phân lập văn hóa truyền thống ở Việt Nam là một quá trình dài, non mười thế
kỷ. Chúng tôi dành trọn chương 3 của luận án để bàn thảo trực tiếp vấn đề này.
1.2.4. Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam nhìn theo loại hình
a. Tính tổng hợp của văn hóa Bách Việt ở Lĩnh Nam
Lĩnh Nam là một bộ phận của văn hóa Bách Việt, do vậy việc quan sát so
sánh vùng văn hóa này với các vùng văn hóa khác của Bách Việt là cần thiết để
hiểu được đặc trưng loại hình văn hóa cùng với quy luật phát triển của nó.
Các phân tích phần trên cho thấy vùng văn hóa Lĩnh Nam mang đặc trưng
tổng hợp các kiểu loại hình kinh tế – văn hóa của các vùng văn hóa Bách Việt
khác gộp lại, cụ thể bao gồm nông nghiệp lúa nước, nghề rừng, nghề nương
rẫy, nghề biển (đánh bắt, thương mại) v.v.. tương ứng với kiểu địa hình phức
tạp, có đồng bằng, thung lũng ven sông, núi cao, biển đảo..
Xét về tính chất, vùng văn hóa Lĩnh Nam đa dạng phức tạp song vẫn mang
những nét chung của văn hóa Bách Việt do các điều kiện chủng tộc, ngôn ngữ,
phong tục-tập quán và nguồn gốc văn hóa nông nghiệp quy định. Xét trong
mối quan hệ so sánh với vùng đất phía nam tiếp giáp với Lĩnh Nam, đời sống
kinh tế- văn hóa nông nghiệp lúa nước được xem như đặc trưng chung song