LỜI NGƯỜI DỊCH
Stendhal là một trong những nhà văn Pháp rất quen thuộc với bạn đọc Việt
Nam qua các tiểu thuyết nổi tiếng Đỏ và đen (Le Rouge et le Noir) và Tu
viện thành Perme (La Chartreuse de Parme). Ông được coi là người mở đầu
cho trào lưu hiện thực phê phán trong văn học Pháp, song đương thời không
được đánh giá cao. Nhưng, như chính Stendhal từng ước đoán là phải nhiều
năm sau khi ông mất tác phẩm của ông mới được người đời ưa chuộng,
cùng với thời gian, cho đến nay, tên tuổi ông ngày càng tỏa sáng, vị trí của
ông trong lịch sử văn học Pháp và thế giới ngày càng vững chắc.
Nhà văn tên thật là Marie-Henri Beyle, sinh ngày 23/1/1783 tại miền Đông
nước Pháp. Stendhal sống trong một thời đại có nhiều biến động gắn liền
với tên tuổi Napoleon - người được ông ngưỡng mộ và trở thành hình tượng
trong các tác phẩm của ông. Nhà văn từng làm thư kí cho Bộ trưởng Chiến
tranh Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Italia, nhiều năm tham gia các
chiến dịch quân sự do chính Napoleon chỉ huy, trong đó có cuộc chiến tranh
với Nga năm 1812. Sau khi triều đại Napoleon sụp đổ, Stendhal chủ yếu
sống ở Italia, nơi ông xem như Tổ quốc thứ hai của mình. Ở đây, ông có
cảm tình với lực lượng khởi nghĩa Carbonari, lấy tên bí mật là Elrico
Vismara để hoạt động và từng bị chính quyền kết án tử hình vắng mặt
(nhưng nhà chức trách không phát hiện ra Vismara chính là Stendhal). Ngày
23 tháng 3 năm 1842, trong lần về thăm Paris, ông bị lên cơn đột qụy huyết
áp và mất ngay trên đường phố khi đang đi dạo.
Sinh thời, mặc dù Stendhal thường nói việc viết văn với ông chỉ là thú tiêu
khiển, nhưng ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ: từ 1927 đến
1937, toàn tập tác phẩm của ông đã được in gồm 79 cuốn. Văn của Standhal
trong sáng, giản dị, súc tích, tác giả chú trọng khai thác tâm lí nhân vật, tạo
nên những tính cách điển hình trong hoàn cảnh xã hội điển hình.