khi hai bên con đường này không một bóng cây. Những hố nham nhở chạy
dài dài chắc là do người ta đào gốc lấy củi. Nhưng sao không trồng lại? Sao
không khai thác một bên và trồng lớp mới luôn, cây khỏe mạnh mới khai
thác tiếp bên kia? Đường về làng sẽ lúc nào cũng mát, màu xanh lúc nào
cũng dịu tỏa bóng che bớt sự gay gắt của ánh nắng mặt trời?
Chiến sĩ lấy bi đông đựng nước chè đặc rót ra ănggô đưa mời thủ
trưởng.
- Uống đi anh. Có gì mà phải bực. Không đi được thì quay lại. Cùng
lắm một vài lít xăng. Nhưng cứ nghỉ một chút cho máy đỡ nóng. Bực cũng
chẳng biến những con hào đang cắt ngang kia thành mặt đường bằng đi
được.
Người đứng tuổi không trả lời. Anh vừa vui mừng lại vừa băn khoăn
trước những đổi thay. Gần bốn mươi năm xa, anh nhiều lần về phép thăm
nhà nhưng chưa bao giờ có lần về đặc biệt như hôm nay. Anh về hẳn. Anh
nghỉ hưu. Anh đặt dấu chấm to tướng sau cả cuộc đời hoạt động của mình.
Chặng đường dài hun hút khởi đầu từ những năm 1949-1950, giờ đây anh
đã tới điểm tận. Tuổi già lởn vởn. Ngày về lẫn lộn buồn vui. Sự sum họp
đến khi đầu điểm bạc. Quang cảnh hiện ra trước mắt kia cũng báo hiệu một
vài dấu hiệu tàn phai. Chùa Mới của làng Cao chỉ còn cây đa. Chùa Dền
gần như biến mất. Chùa Mận chỉ còn cây quéo đã chẳng sum suê mà lại
quắt queo như bà già nay mai về cõi. Chùa Hàn ở dưới kia, mờ mờ mái rêu
phong sau bóng cây thưa thớt.
- Thay đổi nhiều quá. - Anh nói - Những lần về trước dường như mình
không chú ý đến, nhưng hôm nay... Con ngòi chạy thẳng từ cổng Cầu Sung
tới đây là đường vận động chiến đấu của du kích mỗi lần địch kéo sang
làng tề Kim Trang hầu như chỉ còn là bóng dáng. Đất cát đầy dần lên
chăng, hay cái nhìn không còn trẻ tươi như cũ?
Chiến sĩ buông thõng như nói cho riêng mình: