đời sống của bà con làng Thị. Dân kiến nghị, họ đưa ra đại hội đại biểu xã
viên thì mỗi lần như thế bao giờ cũng bị là thiểu số vì dân làng Thị chỉ bằng
một phần ba số dân làng Cao. Theo nhu cầu bức thiết, làng Thị đề nghị có
cỗ xe đòn đám ma riêng, xã nhất quyết không cho kinh phí đã tự đóng và
cấp cho một bộ mới tinh, giá thành một trăm năm mươi ngàn, mang về
chưa dùng đã hỏng. Xã cử thợ sang sửa đi chữa lại tốn sáu mươi ngàn nữa,
hỏng vẫn hoàn hỏng. Làng Thị bảo nhau góp tiền đóng cỗ khác chỉ tốn chín
mươi ngàn đồng dùng rất tốt.
Dân làng Thị tuyên bố tự điều hành công việc đồng áng và nộp đủ mọi
khoản nghĩa vụ với Nhà nước. Tân phân vân ghê gớm nhưng không thể
phản đối. Nếu chỉ xét tới động cơ làm sao có nhiều của cải và thôn xóm yên
vui thì anh hoàn toàn ủng hộ. Nhưng việc dãn đội hình hợp tác xã động
chạm tới chủ trương, tới chính sách, khó ai có thể tự mình quyết định được.
Anh rất thông cảm với bí thư huyện ủy hôm dự họp làng. Bà con đòi đồng
chí lãnh đạo phải trả lời tại chỗ đồng ý cho dãn đội hình hợp tác xã toàn xã.
Phút ấy chính Tân đã gỡ thế bí cho anh. Bằng uy tín của mình anh đề nghị
bà con làm một đơn tường trình đầy đủ lý do nhờ bí thư huyện ủy mang về
cho tập thể lãnh đạo và báo cáo lên trên. Cũng hôm ấy có người còn tranh
thủ mắng nhiếc chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bùi Văn Hoàng. Anh này
người làng Thị nhưng ngày đêm làm việc tại trụ sở đặt ở làng Cao. Nếu anh
ủng hộ hoàn toàn dân làng Thị và chi bộ làng Thị thì cũng có nghĩa hành
động lệch hướng với nghị quyết thường vụ đảng ủy xã mà anh là một thành
viên. Nếu anh lúc nào cũng xã nói thế này, huyện bảo thế nọ thì khó mà vác
mặt về làng là nơi chôn rau cắt rốn. Có người khuyên anh nên bỏ phăng
chức chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về làm thằng lực điền là hay hơn cả.
Nhưng anh không muốn thế. Anh biết mình bị kẹt, rất khó hoạt động.
Nhưng chắc chắn làm chủ tịch xã vẫn hơn làm thợ cày. Cái khó của anh là
vợ con vẫn ở làng Thị chứ không như cửa hàng trưởng Nguyễn Văn La nhổ
phăng gốc rễ đưa vợ con sang xã cả.