- Ai thèm rình anh. Tôi biết thế chẳng qua cũng là theo phương pháp suy
luận của Conan Doyle viết trong bộ Sherlock. Khi tôi vào, anh vờ xem
sách, bộ dạng anh tự nhiên lắm, nhưng anh đã muốn giấu mà đuôi cứ thò
ra. Cái đuôi ấy là mẩu giấy đỏ kia, mẩu giấy anh đánh dấu để nhớ trang anh
đã xem. Tôi nhận thấy lúc anh xem, mẩu giấy ấy gấp ở những trang anh
chưa xem. Nếu anh xem thực thì mẩu giấy ấy anh phải gấp ở những trang
anh xem rồi. Do đó, tôi đoán rằng anh vội vàng mở sách vờ xem khi tôi lại.
Tại sao tôi biết anh lên Rợp? Khốn nạn, đôi giầy lấm đầy bùn kia nó chứng
cái gì? Sáng sớm hôm qua mưa to, đến trưa nắng. Đường các phố rải nhựa,
buổi tối tất đã khô hết. Thế mà giầy anh lấm bùn, vậy hẳn anh đi chơi tối,
mò vào đường đất lội, tất chỉ có đi lu bù trong một nhà nào trên xóm Rợp
chứ gì?
- Nhưng tại sao anh biết tôi đi từ 9 giờ?
Bạn tôi cười chỉ chiếc đèn cầy để trên bàn mà bảo:
- Ấy, tôi cũng chỉ đoán. Chiều hôm qua tôi lại đây, nhận thấy phao dầu
cây đèn này mới rót đầy. Bây giờ anh coi, nó đã cạn hết một phần ba, bằng
ấy dầu anh chỉ thắp được ba tiếng đồng hồ, nghĩa là tự lúc lên đèn cho tới
quãng chín giờ. Tôi đoán chín giờ là lúc anh mặc quần áo, tắt đèn bàn học
để đi chơi! Anh đã hiểu rõ chưa?
- Tôi hiểu lắm rồi, anh Kỳ Phát ơi! Tôi càng chơi với anh lâu càng nhận
thấy, anh thực là một người kỳ! Không nói đùa, giá anh đi làm trinh thám
thì may ra anh cũng noi gương Sherlock Holmes, mà nếu anh chuyên nghề
ăn trộm thì có lẽ cũng không kém Arsène Lupin là mấy. Nhưng còn cái án
mạng này thì anh đoán ra thế nào?
Tôi vừa nói vừa đưa cho Kỳ Phát xem tờ thời báo ngày hôm nay, Phát
tiếp lấy tờ báo, nhưng không xem. Hắn để trả báo lên bàn rồi nói:
- Có, tôi đã xem cái tin ấy. Chắc anh cũng cho cái chỗ đóng cửa kín hết
mà người ở trong bị ám sát là lạ chứ gì?
Tôi ngắt lời:
- Thế anh đoán ra làm sao?