dụng truyền thống. Có vô số trở ngại đối với việc sử dụng đất theo những
cách thức đáng mong đợi về mặt kinh tế. Quốc hội bắt đầu thay đổi điều
này, cho phép các nhóm dân được kiến nghị với Quốc hội để đơn giản hóa
và tổ chức lại các quyền sở hữu; những thay đổi này về sau được thể hiện
qua hàng trăm đạo luật của Quốc hội.
Việc tổ chức lại các thể chế kinh tế này cũng được phản ánh qua sự ra
đời của một chương trình hành động nhằm bảo hộ ngành dệt trước hàng
nhập khẩu nước ngoài. Ta không ngạc nhiên khi thấy các đại biểu Quốc hội
và cử tri không phản đối tất cả các hàng rào cản trở việc tham gia thị trường
và thế lực độc quyền. Những người có thị phần và lợi nhuận gia tăng sẽ ủng
hộ điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các thể chế chính trị đa nguyên -
sự kiện Quốc hội đại diện, trao quyền và lắng nghe những thành phần xã
hội rộng lớn - có nghĩa là các rào cản gia nhập thị trường này sẽ không bóp
nghẹt các nhà công nghiệp khác hay đóng cửa hoàn toàn với những người
mới, như hiện tượng đóng cửa (serrata) ở Venice. Các nhà sản xuất len đầy
quyền lực chẳng bao lâu đã cho chúng ta thấy điều này.
Năm 1688, một số mặt hàng quan trọng nhất nhập khẩu vào Anh là
hàng dệt từ Ấn Độ, các loại vải nhẹ như calico và muslin, chiếm khoảng
1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt. Cũng quan trọng không kém là lụa
từ Trung Quốc. Calico và lụa được nhập khẩu qua Công ty Đông Ấn, mà
trước năm 1688 từng tận hưởng thế lực độc quyền theo lệnh của chính phủ
trong hoạt động thương mại với châu Á. Vị thế độc quyền và quyền lực
chính trị của Công ty Đông Ấn được duy trì thông qua việc hối lộ hậu hĩ
cho vua James II. Sau năm 1688, Công ty ở vào vị thế dễ bị tổn thương và
chẳng bao lâu đã bị tấn công. Sự tấn công xảy ra dưới hình thức đơn kiến
nghị dồn dập gửi đến Quốc hội từ những nhà buôn trông chờ được giao
thương với Viễn Đông và Ấn Độ, yêu cầu Quốc hội cho phép họ cạnh tranh
với Công ty Đông Ấn, trong khi Công ty đáp trả bằng các kiến nghị ngược
lại và đề xuất cho Quốc hội vay tiền. Công ty thua cuộc, và một Công ty
Đông Ấn mới phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh ra đời. Nhưng