thấy cuộc sống thật thú vị.
Để thành công trong kinh doanh, bạn phải hết lòng chia sẻ những thành quả và dám nhận trách
nhiệm khi cần. Thất bại là mẹ thành công, nhưng thành công có tới 1.001 người cha trong khi
thất bại thì chẳng có lấy một người đỡ đầu. IBM là công ty tiên phong trong việc áp dụng
phương pháp tổ chức hoạt động theo nhóm. Từ lập trình viên các cấp cho đến bộ phận truyền
thông hay đối ngoại đều làm việc theo mô hình này để tập trung trí tuệ tập thể nhằm giải
quyết các vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết cá nhân.
Việc kinh doanh ngày nay khác hẳn thời của tôi. Nó thay đổi từng ngày từng giờ. Không ai dám
cam đoan là mình sẽ làm ở một công ty suốt đời. Công nghệ cũng phát triển nhanh đến chóng
mặt. Lớp trẻ ngày nay phải nhận ra rằng họ phải luôn học, học, và học để theo kịp thời đại. Họ
phải tự quyết định cuộc đời mình. Họ phải kiên trì và có lòng tự trọng cũng như sẵn sàng cống
hiến để trở thành người hữu dụng cho xã hội chứ không nên có ý nghĩ rằng cuộc đời chỉ là một
canh bạc mà họ, người chơi, chỉ cần chiến thắng mà không cần phân biệt đúng sai. Nếu bạn
không có một chuẩn mực đạo đức nào để điều chỉnh hành vi của mình, bạn sẽ rất vất vả khi cần
nhận diện điều tốt và điều xấu. Công ty đầu tiên bạn làm, cấp trên đầu tiên dìu dắt bạn, và
những đồng nghiệp đầu tiên hỗ trợ bạn là những yếu tố bảo đảm sự thành bại trong sự nghiệp
của bạn sau này. Hãy luôn ghi nhớ điều này.
Ở cấp độ rộng, nhiều người trẻ tuổi cần phải thấy rằng có một khoảng cách rất lớn giữa họ và
những người khác ở khắp mọi miền đất nước và khắp nơi trên thế giới - một khoảng cách
không gì có thể đo được. Nhìn lại nền kinh tế của chúng ta trong 10 năm gần đây, việc chi ngân
sách diễn ra không đồng đều. Rồi sẽ có những nhóm người, già, trẻ, bé, lớn bị bần cùng hóa.
Lớp trẻ cần tìm những phương cách cải thiện cuộc sống của họ. Ở nhiều thành phố, có nhiều
người tình nguyện đi phát cháo từ thiện, làm việc cho các nhà dưỡng lão, xây nhà cho người vô
gia cư, hay tham gia các chương trình giúp đỡ người tàn tật. Họ làm những công việc vừa giúp
họ vượt lên chính mình, vừa giúp đỡ người khác và học hỏi được nhiều điều từ đó. Nếu cuộc
đời của bạn chỉ gói gọn trong việc đi mua sắm và thu gom của cải mà không giúp đỡ ai thì tôi
nghĩ rằng vào một độ tuổi nào đó, bạn sẽ giật mình tự hỏi: “Tất cả những điều đó thật sự có ý
nghĩa gì?”. Chúng ta có sống mãi được đâu. Khi nghĩ về cuộc đời và cái chết của chồng tôi ở
tuổi 69, tôi nhận ra rằng ông ấy là một người thật sự đã cống hiến hết tài năng của mình, ông
đối mặt với cái chết một cách bình thản. Tôi còn nhớ lời ông ấy nói: “Mọi việc tôi muốn làm tôi
đều đã làm. Tôi muốn làm lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa nhưng thế này tôi cũng mãn nguyện lắm
rồi”. Đó là một tấm gương tuyệt vời cho tôi và các con của chúng tôi.