Chốc lát ăn hết vài đấu cơm. Vài tháng sau, cao lớn hơn mười trượng, tự
ra ứng mộ, Sứ giả đưa đến Kinh sư, vua trông thấy cả mừng hỏi rằng:
- Bây giờ ngươi muốn xin gì?
Tâu: - Xin cho một thanh gươm dài, và một con ngựa sắt.
Vua ban cho, rồi Vương cầm gươm nhảy lên ngựa, hét lên một tiếng,
xông vào trong trận, chém quân giặc chết ngổn ngang. Giặc tan rồi, bờ cõi
được yên lặng. Thiên vương phi ngựa về núi Vệ Linh, trèo lên cây đa mà
bay lên trời, để áo và dấu tích lại, đến nay vẫn còn, nguời trong thôn gọi cây
ấy là cây Dịch Phục. Người trong nước lấy làm lạ, lập đền thờ tế, dùng trà
bánh đồ chay mà cúng, nếu có cầu khấn việc gì đều được linh ứng.
Triều nhà Lý cũng đến cầu đảo, dựng đền thờ ở làng Cảo Hương bên hồ
Tây mà thờ tự. Bây giờ làm vị Phúc thần chép tại Tự Điển.
Tiếm bình
Núi Vệ Linh là nơi Đổng Thiên Vương lên trời. Hà Học sĩ vịnh thơ tức là
ở đấy. Truyện này chép lại khác xa với Việt Sử. Sử chép rõ đời Hùng
Vương thứ sáu mà sao đây lại nói không nhớ là đời nào? Sử chép rõ là làng
Phù Đổng mà sao đây lại nói không biết người thôn nào? Nhà chép việc
thường nhiều sơ suất như thế. Lĩnh Nam Chích Quái chép việc này so với
đây còn rõ hơn. Tay tả cầm giáo, tay hữu xách tháp, tự hiệu là Tỳ Sa, thì
khác với bản sắc Xung Thiên. Duy giáng thế mà đuổi được giặc An, hiển
thánh mà lui được binh Tống, có công đức với dân, không gì lớn hơn nữa;
sở dĩ được hưởng nghìn trăm năm trai nghi cúng vái, hơn cả các vị thần
khác mà được liệt vào hàng bất tử, có phải tình cờ mà được vậy đâu?
Đền miếu Phù Đổng đứng vào bậc nhất, bốn tổng lớn như Thắng, Đồng,
Minh, Viên tuế tiết phụng tự rất là thành kính, mỗi năm đến ngày mồng 9
tháng tư có hội, làm hội lớn của Bắc Giang. Các tổng miền thượng du ở sát
núi Vệ Linh là chín tổng, mỗi khi đến lệ đại hội thì lấy đồ lỗ bộ bằng đồng
thực mà nhóm lại đánh nhau để diễn lại vũ công của Thiên vương.