KIỀN HẢI MÔN TỪ
(Ở phủ Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu làng Hương Cần)
Phu nhân họ Triệu, công chúa nhà Nam Tống, mẹ con ba người, Phu
nhân là con gái út.
Niên hiệu Thiệu Bửu năm đầu đời Trần Nhân Tông, tướng Trương Hoằng
Phạm đánh úp quân nhà Tống ở núi Giai Sơn; quân Tống đại bại, quan Tả
thừa tướng Lục Tú Phu ôm vua Đế Binh nhảy xuống biển, quan quân nhảy
xuống chết theo hai mươi vạn người; Phu nhân mẹ con ba người vịn mạn
thuyền trôi đến chùa Hải Giai, nhà sư thương, đem về nuôi nấng; sau vài
tháng, Phu nhân da thịt hoàn nguyên, diện mạo đẹp đẽ, nhà sư muốn tư
thông, Phu nhân nhất thiết cự tuyệt. Nhà sư xấu hổ nhảy xuống biển tự tử.
Ba mẹ con cùng khóc, bảo rằng: “Mẹ con ta nhờ sư mà sống. Sư vì mẹ
con ta mà chết, lòng ta sao an”, rồi cũng đều nhảy xuống biển chết cả.
Thi thể Phu nhân trôi đến cửa biển Kiền Hải phủ Diễn Châu nước ta, tuy
chết đã lâu mà ngọc diện vẫn như sống, người bản xứ lấy làm lạ, vớt lên
chôn cất hẳn hoi, sau thấy có nhiều linh dị, mới lập đền thờ phụng. Hễ
thuyền biển gặp cơn gió to sóng lớn, nguy cấp lắm, van vái với Phu nhân thì
đều được bình an vô sự. Các cửa biển đều có đền thờ, cũng đều linh ứng.
Tiếm bình
Đương sau khi sáu quân tan rã, sơn hà như bọt nước mong manh, thân thể
cánh bèo theo gió, gởi mình ở cảnh tịnh độ muối dưa, sống ta thấy ơn nhà
sư, ghẹo ta ấy tội nhà sư, nhờ người mà sống, không nỡ thấy người chết một
mình, cái chí của Phu nhân cũng đáng thương lắm thay! Tấm lòng u phẫn,
reo gió mưa mà khóc được sóng gợn, cái tiết tháo trinh liệt, suốt vàng đá mà
ngang dọc đất trời; cứu thuyền bè nguy ngập, thỏa lòng người chiêm
ngưỡng, hiển linh trong âm, cầu đảo lập ứng, đền thiêng cửa biển, tiếng nổi
vang dội.