chiến khác - một cuộc chiến không được tuyên bố nhưng không kém phần
đau thương và thống khổ.
Erin quyết định giới thiệu với cả lớp hai cuốn sách viết về lòng khoan
dung của con người. Đó là hai cuốn nhật ký có rất nhiều nét tương đồng của
Anne Frank - cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến
tranh thế giới thứ hai và Zlata Filipovic - người thiếu nữ viết về cuộc sống
của mình trong cuộc chiến ác liệt ở Sarajevo. Từ những nét tương đồng
giữa Anne và Zlata với các học sinh của mình, Erin truyền cảm hứng cho
các em bắt đầu viết nhật ký về cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân
biệt chủng tộc, bệnh tật và bị lạm dụng… của các em. Và từ những dòng
nhật ký đó, Erin Gruwell dần thấu hiểu được hoàn cảnh riêng của từng em,
cô đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình,
niềm tin rằng các em cũng có cơ hội để trở thành người có ích cho xã hội,
rằng nếu thật sự muốn, các em không những có khả năng thay đổi được
cuộc sống của mình mà còn có thể thay đổi cả thế giới.
Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như đi thăm bảo tàng về Cuộc Thảm sát
người Do Thái, đi xem phim, gặp gỡ với bà Miep Gies - người đã che giấu
gia đình Anne Frank khỏi bọn Đức quốc xã, gây quỹ để mời Zlata Filipovic
cùng bố mẹ đến thăm Long Beach, xin tài trợ để các em có dịp đến thăm
thủ đô Washington, thành phố New York…, Erin Gruwell đã khiến ban đầu
là cả trường, sau đó là giới truyền thông và cả nước Mỹ phải kinh ngạc vì
những gì cô và các học sinh của mình đã làm được. Dù gặp vô vàn khó
khăn khi các đồng nghiệp cùng khoa tỏ thái độ thiếu thiện chí, dù cuộc sống
riêng tư của Erin bị đảo lộn bởi cô dành quá nhiều thời gian và tâm huyết
cho “những đứa trẻ ở phòng 203” nhưng những nỗ lực của cô cũng được
đền đáp khi cuốn sách Viết lên hy vọng tập hợp chính những trang nhật ký
của cô và các em được xuất bản và làm rung chuyển cả nền giáo dục Mỹ lúc
đó. Từ lần đầu tiên xuất bản (1999) cho tới nay, cuốn sách liên tục được tái
bản và là cuốn sách bán chạy trên New York Times. Không những thế, Erin