trưởng nước bạn, tôi yêu cầu ông tìm cách viện trợ thêm cho miền Nam.
Ông hứa với tôi là trong khi chờ đợi một kế hoạch viện trợ lâu dài, chính
phủ Nhật Bản sẽ cứu xét và có thể giúp cho Việt Nam Cọng Hòa 20 triệu đô
la (số tiền này đến thời chính phủ Phan Huy Quát mới nhận được). Ngoại
trưởng Nhật lại có nhã ý mời tôi thăm viếng một số cơ sở kỹ nghệ. Nhân
thăm hãng xe Honda, biết được cuộc đời của vị chủ nhân Giám đốc, tôi lại
càng cảm phục tinh thần cầu tiến và nhẫn nại của dân tộc Phù Tang. Ông
Honda nguyên là một trung sĩ Không quân thời Đệ nhị Thế chiến, sau khi
Nhật chiến bại ông được giải ngũ về nhà làm nghề sửa xe gắn máy. Với một
số bù-loong cũ, vài chiếc kềm, ông bắt đầu sự nghiệp dưới một tấm tôn đặt
tại một góc đường. Nhờ kiên nhẫn, kỹ lưỡng, siêng năng và khiêm tốn, biết
chìu khách hàng, “tiệm sửa xe” của ông mỗi ngày một phát đạt. Mấy năm
sau, khi kiếm được số vốn 280 đô la, ông kêu gọi bạn hữu chung cổ phần để
xây dựng cơ sở kỹ nghệ xe hơi Honda. Sau không đầy 20 năm, hãng Honda
đã có chi nhánh nhiều nơi và có thị trường khắp thế giới. Điều làm cho tôi
cảm phục là tinh thần xã hội của các nhà tư bản Nhật: chủ và thợ coi nhau
như anh em, tiền thưởng, tiền trợ cấp xã hội dành cho thợ khá cao. Tôi tự
hỏi biết bao giờ người Việt Nam mới thể hiện ra thành thực tế cái tinh thần
“Bầu ơi thương lấy bí cùng” như con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Tôi đang dự định đi thăm Hoàng Thành của vua Hiro Hito và Cố đô Kyoto
thì bỗng nhận được công điện của tướng Khánh gọi về ngay. Về đến Sài
Gòn, nhìn quang cảnh Thủ đô xáo trộn do Hiến chương Vũng Tàu gây ra,
tôi chua xót nhìn quê hương đắm chìm trong gió bụi hận thù và phân hóa.
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Khánh và Khiêm không cử ông Đệ Nhất, Đệ Nhị
Phó Thủ tướng đi Đại Hàn mà lại cử tôi vốn chỉ là Đệ Tam Phó Thủ tướng.
Thì ra họ nghi ngờ tôi có thể dựa vào lực lượng sinh viên và Phật tử để
chống đối lại Hiến chương Vũng Tàu vô chính trị và độc đoán của họ. Chả
trách ngay sau ngày chỉnh lý, họ đưa Đại tá Lê Nguyên Khang từ Phi Luật
Tân về thay thế cháu tôi là Trung tá Nguyễn Bá Liên (đang là Tư lệnh Thủy
Quân Lục Chiến). Lê Nguyên Khang từ Phi Luật Tân về, đi thẳng bằng trực
thăng đến Kiến Hòa nơi cháu tôi đang chỉ huy một cuộc hành quân quan
trọng, đòi phải được bàn giao tức khắc chức Tư lệnh và Liên phải về ngay