nghe chuyện đời.
Không ngờ vào khoảng ba giờ đêm 20-12-1964, Đại tá Nhiêu, một cộng sự
viên của Khánh và đang là Giám đốc Sở Trung Ương Tình Báo, đi xe jeep
cùng với ba binh sĩ võ trang đến nhà riêng của tôi mời tôi đến gặp Hội Đồng
Tướng Lãnh đang nhóm họp tại Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi biết việc chẳng
lành lại xảy ra nên dặn vợ con cứ yên tâm ở nhà vì tin chuyến này ra đi thì
còn lâu lắm mới trở về.
Đại tá Nhiêu mời tôi vào ngồi trong phòng khách nhà tướng Khánh trong
khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, gần cổng chánh. Trong một phòng bên
kia, Khánh và các tướng trẻ đang hội họp. Họ để Chuẩn tướng Sang vừa
ngồi nói chuyện vừa canh chừng tôi. Độ năm giờ sáng, cuộc họp vừa tan thì
Nguyễn Văn Thiệu, rồi Nguyễn Chánh Thi đến chào và nói vài câu chuyện
đãi bôi. Đến bảy giờ sáng, tướng Nguyễn Hữu Có, lúc bấy giờ là Tư lệnh
Quân đoàn II đóng ở Pleiku, vào gặp tôi và cho biết: “Tôi được lệnh Hội
Đồng Tướng Lãnh mời anh em lên cao nguyên ở một thời gian”. Tướng Có
mời tôi lên xe và đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất. Tại đây, tôi thấy một số
chính khách, một số ủy viên Hội Đồng Quốc gia, một số sinh viên và ba
người bạn thân của tôi là nhà báo Vũ Ngọc Các, luật sư Trần Thanh Hiệp,
và học giả Mai Ngọc Liệu. Biết là đồng hội đồng thuyền, các ông Các,
Hiệp, Liệu và tôi nhìn nhau mỉm cười. Đến Pleiku, bác sĩ Lê Khắc Quyến bị
giữ lại gần Bộ Tư lệnh Quân đoàn, ông Nguyễn Văn Lực bị chuyển đi Nha
Trang, các chính khách và sinh viên khác đi Kontum, còn riêng tôi thì tướng
Có dành cho ngôi dinh thự cũ của viên Công sứ Pháp, biệt phái cho tôi một
binh sĩ để phục vụ. Từ đó, tôi ở vào tình trạng “quản thúc vô hạn định” trên
thành phố đìu hiu này. Thỉnh thoảng, tướng Có đến chuyện trò hoặc đích
thân lái xe đưa tôi đi thăm phong cảnh Pleiku nhưng tuyệt nhiên không bao
giờ đề cập đến việc quản thúc của tôi hoặc thảo luận về tình hình chính trị
của đất nước. Trong hơn hai tháng, chúng tôi bị quản thúc thì cụ Trần Văn
Hương cũng mất chức Thủ tướng và nghe nói bị an trí tại Vũng Tàu, chính
phủ Phan Huy Quát ra đời, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Lực Lượng Bảo Vệ
Dân Tộc và Lực Lượng Đại Đoàn Kết của khối Công giáo nổi dậy chống
chính phủ. Tướng Khánh phản ứng trong tuyệt vọng vì Hội Đồng Quân Lực