Ngay tối hôm đó, khoảng nửa đêm, tôi vào dinh Độc Lập xin yết kiến Thủ
tướng và kể lại cho ông Diệm nghe sự tình bữa tiệc vừa qua, đồng thời trình
bày những nhận định của tôi về ý đồ đảo chánh của tướng Hinh. Ông Diệm
nghe xong chỉ khuyên tôi lần sau đừng liều như thế, nhưng trông ông có vẻ
buồn rầu và hết sức ưu tư. Sáng hôm sau, ông sai ông Ngô Đình Luyện đến
nhà tướng Hinh tại Chợ Lớn để điều đình, nội dung điều đình như thế nào
tôi cũng không rõ.
Thái độ cương quyết và hung hãn đó của tướng Hinh cộng với những áp lực
của Pháp và cuộc nổi loạn của Bình Xuyên sau này đã có lúc làm cho ông
Diệm dự định bỏ nước ra đi như Linh mục Cao Văn Luận đã mô tả trong
cuốn "Bên Giòng Lịch Sử".
Từ ngày ông Diệm về làm Thủ tướng, tướng Hinh đã bày tỏ thái độ bất mãn
của ông bằng cách cho đài phát thanh Quân Đội liên tục đả kích ông Diệm,
mặt khác thành lập một tổ chức bí mật, "Đảng Con Ó", để làm hậu thuẫn
chính trị cho ông ta, đồng thời bố trí bốn tiểu đoàn tại những địa điểm huyết
mạch của Đô Thành. Tôi còn nhớ một trong bốn tiểu đoàn này do Đại uý
Albert Cao chỉ huy [13], người mà sau này nhờ là tín đồ Công Giáo nên lại
được ông Diệm tin cậy và trọng dụng.
Suốt mùa hè năm đó, tướng Hinh phối hợp với nhóm Bình Xuyên của Bảy
Viễn tìm cách khiêu khích và âm mưu phá hoại tân chính phủ, đặc biệt
nhắm vào cá nhân ông Diệm. Hinh cho phòng Năm in truyền đơn rải khắp
Sài Gòn-Chợ Lớn kết án ông Diệm. Đã có lần ông Diệm yêu cầu vua Bảo
Đại giải nhiệm tướng Hinh nhưng không nhận được trả lời. Biết vậy, tướng
Hinh lại càng lộng hành hơn, đến độ mặc thường phục cỡi xe mô tô chạy
trên các phố chính của Thủ đô để dương oai với dân chúng và để thách thức
quyền hành của Thủ tướng phủ.
Trước những khiêu khích và khinh thường đó, tôi chỉ thấy ông Diệm liên lạc
với phía người Mỹ để nhờ can thiệp, và riêng ông Nhu thì không hình thành
nổi một lực lượng quần chúng để có phản ứng thích hợp. Những đồng chí
cán bộ cũ, hoặc bị tê liệt vì bị vướng mắc vào bộ máy nhà nước chưa chạy
nhịp nhàng, hoặc vì quá trình hoạt động chưa bao giờ kết tinh thành một tổ
chức đấu tranh có qui củ, nên lúc đó, mỗi người, trong cương vị của mình,