kính vạn hoa, đầy màu sắc thù ghét, tranh quyền, tham lam, hèn hạ, và gian
lận).
Còn ký giả Francis J. Corley cho ta biết như sau:
“Vì thành phần lãnh đạo của Hội Đồng gồm một số nhân vật thoát thai từ
nhân dân mà ra với đầy ắp tâm chất cách mạng như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ
Hán Sơn, Nhị Lang, Trình Minh Thế… và vì nội dung của nghị quyết chỉ
cho ông Diệm cái quyền tạm thời chứ chung kết vẫn dành cho Quốc Hội,
tức là nhân dân, định đoạt, cho nên đã làm cho những người có truyền
thống chính trị phong kiến và có tham vọng lãnh tụ như anh em ông Diệm
phải bất mãn, nổi giận và cảm thấy bị đe dọa” [2].
Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng với tên tuổi của lãnh tụ Hòa Hảo Nguyễn
Bảo Toàn và trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ quả thật là một tổ chức
đầy uy tín, một tổ chức “làm lịch sử”. Hội Đồng đưa ra một quyết nghị vừa
tạo chính nghĩa cho quốc gia, vừa cứu ông Diệm qua cơn khó khăn nguy
hiểm, nhưng vì sự phản bội của anh em ông Diệm mà Hội Đồng tan rã, chết
yểu. Còn những người muốn làm cách mạng để cải đổi xã hội thì thân thế
gặp phải cảnh lao lung đầy bất trắc, với một tương lai mịt mờ. Hội Đồng
giải tán rồi, anh em ông Diệm bèn lật lá bài chính trị cuối cùng để qui thiên
hạ về một mối, tức là lá bài truất phế Bảo Đại, vị Quốc trưởng hợp pháp, sự
kiện mà tôi sẽ đi vào chi tiết trong phần sau của chương này.
Tuy nhiên trước khi tiếp tục nói về cuộc cờ oan trái giữa hai ông Bảo Đại và
Ngô Đình Diệm, tôi muốn mở một dấu ngoặc ở đây để có mấy lời nói về
ông Nhị Lang và tác phẩm Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế
(PTKCTMT) của ông.
PTKCTMT ngoài phần chính yếu nói về cuộc đời và sự nghiệp của tướng
Thế, tại chiến khu cũng như lúc về Thành, ngoài phần nói về hoạt động đấu
tranh của ông Nhị Lang, tác giả còn muốn làm nổi bật một số biến cố mà tôi
cần phải có những lời chất chính:
- Nguyên nhân nào buộc ông Nhị Lang phải lấy quyết định bỏ nước ra đi
sang Cao Miên lưu vong để sống cuộc đời cơ cực và tủi nhục.
- Những phân trần dài dòng về điểm ông bị nghi ngờ đã hoạt động cho Việt
Cộng tại Cao Miên.