chế độ, không để cho chính quyền của ông ta rảnh tay lo đối phó với Cộng
sản. Sau lần gặp gỡ đó, ông Nhu không bao giờ đi họp nữa và Đại hội cũng
tan luôn. Tội nghiệp cho mấy vị chính khách nhiệt thành và mấy ông Cần
Lao sốt sắng; họ không biết kinh nghiệm đã cho thấy rằng đối với anh em
nhà Ngô thì cả nước chỉ biết cúi đầu tuân phục. Những thiện chí, những
sáng kiến, dù có giá trị và xuất xướng từ người thân tín, mà hễ đả động đến
tự ái của anh em nhà Ngô thì chỉ là những giấc mơ không bao giờ thành sự
thật. Nhiều khi kẻ đưa ra thiện chí, đưa ra sáng kiến còn mua lấy tai họa như
trường hợp Tạ Chí Diệp vì quá hăng say trong việc cứu nước mà mua lấy
cái chết sau này.
Sau Đại hội Đoàn kết bất thành, Diệp bị bắt và bị thủ tiêu luôn. Được tin
Diệp bị Công an sát hại, Bác sĩ Tuyến và tôi vô cùng bàng hoàng. Chúng tôi
gặp nhau than thở không ngờ nhóm Nguyễn văn Y, Dương văn Hiếu tàn ác
đến thế, không ngờ chế độ mà mình đang phục vụ lại bất nhân đến thế.
Không ai có thể chối cãi được thái độ chính trị của Tạ Chí Diệp cũng như
những đề nghị của anh ta trong Hội nghị Đoàn Kết là những đề nghị xây
dựng để mong cứu lấy miền Nam, thế mà Diệp đã chết vì cái chủ trương đối
lập xây dựng đó. Huống chi Diệp lại là cháu ruột của cụ Cử Tạ Chương
Phùng, một đồng chí son sắt của ông Diệm trong phong trào Cường Để,
từng hy sinh thân thế, sự nghiệp, tiền của cho ông Diệm, từng bị mật thám
Pháp tra tấn đến nỗi gẫy cả răng và điếc cả tai.
Diệp chết đi để lại một ông Bác gần 70 tuổi nghèo nàn và cô đơn, với một
bà mẹ già trên 90 tuổi già nua bệnh tật. Trước cảnh thương tâm đó, chỉ còn
Cụ Huỳnh Minh Ý và Bác sĩ Bùi Kiện Tín giúp đỡ cụ Tạ một phần nào mà
thôi. (Xem thêm thư của Cụ Huỳnh Minh Ý trong phần phụ lục).
Cái chết của Tạ Chí Diệp cũng như cái chết của Nguyễn Tấn Quê, Vũ Tam
Anh, Nguyễn Bảo Toàn v.v... và hàng trăm ngàn người dân vô tội ở thôn quê
nằm trong chính sách tiêu diệt người quốc gia đối lập của chế độ Diệm. Ai
cũng biết rằng cái chết oan khiên của hàng trăm ngàn dân quê nhiều khi là
do hành động lạm quyền của các cán bộ Cần Lao Công giáo, nhưng còn
việc sát hại những nhân vật chính trị tên tuổi tại Sài Gòn là phải có lệnh của
các ông Diệm, Nhu, Cẩn. Thế mà sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, trước Tòa