Triều, học hành đứt quãng mà rồi cũng thành tài rồi trở thành một nhân vật
văn võ toàn tài; chỉ tiếc Vinh sinh bất phùng thời, không gặp được nhà lãnh
đạo quốc gia anh minh lỗi lạc để Vinh phục vụ cho xứ sở quê hương trong
thời ly loạn.
Sau ngày lật đổ chế độ Diệm, cuối năm 1963, tất cả mọi chính trị phạm
quốc gia đều được thoát cảnh ngục tù, gia đình đoàn tụ.
Ông Nguyễn văn Lực và tôi trước kia ở hai chiến tuyến đối nghịch, nhưng
sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, ông Lực và tôi trở thành đôi bạn tâm giao,
thường lui tới nhà nhau để hàn huyên tâm sự.
Ông Lực đến thăm tôi để ngỏ lời cám ơn đã đối xử tử tế với gia đình và
những đồng chí của ông. Ông cho biết từ khi gia đình ông bị chuyển qua
Nha Công an, họ đã bị hành hạ tra tấn dã man dù họ chỉ là đàn bà con trẻ.
Vào cuối thời Nguyễn văn Thiệu, trong giai đoạn hoạt động cao độ của
Phong trào Chống Tham Nhũng, ông dẫn một người bạn đến nhà tôi và giới
thiệu là linh mục Nguyễn Học Hiệu (hiện ở Pháp), bộ óc chánh trị của linh
mục Trần Hữu Thanh đang là Chủ tịch Phong trào. Ông Lực cho biết cha
Thanh nhờ cha Hiệu đến mời ông tham gia Phong trào nhưng ông trả lời là
phải có Thiếu tướng Mậu cùng tham gia thì ông ta mới nhận, vì thế cha
Hiệu đã đến nhà tôi. Cha Hiệu cho tôi biết ông đại diện cho cha Thanh đến
mời tôi tham dự Phong trào Chống Tham Nhũng, nhưng tôi lễ độ từ chối
ngay. Tôi nhờ cha Hiệu thưa lại với cha Thanh rằng tôi xin cảm tạ tấm tình
tri kỷ của Ngài, đặc biệt là Ngài đã viết bài xếp hàng tôi cùng với 12 “tướng
sạch” khác trên nhật báo Hòa Bình, nhưng tôi không thể tham gia vào
Phong trào của Ngài vì nhiều lý do mà lý do đầu tiên là đa số người Công
giáo thù ghét tôi vì tôi đã tham dự cuộc cách mạng 1-11 năm 1963, trong
khi Phong trào trên mặt tổ chức lại nặng màu sắc Công giáo với hậu thuẫn
của một số họ đạo tại Sài Gòn và Phú Cam. Không biết có phải vì tôi đã từ
chối lời mời của cha Thanh mà sau này không thấy tên của ông Nguyễn văn
Lực trong hàng ngũ cấp lãnh đạo của Phong trào nữa.
* * * * *
Quyết định của tôi khi trả tự do cho ông Nguyễn Xuân Kỳ, Trung úy Phan
Ngô hoặc không bắt linh mục Nguyễn văn Dũng và các ông Phan Xứng, Vũ