Nêu trường hợp của ông Nguyễn văn Châu ra đây, tôi chỉ muốn dẫn chứng
thêm rằng, dưới chế độ Diệm tình hình miền Nam của năm 1963 đã tuyệt
vọng hoàn toàn (đến nỗi một trung thần như Nguyễn văn Châu mà cũng
phải đào thoát tìm đường sống) và khi ông Diệm chết đi, đã để lại một hậu
quả nguy kịch và tệ hại cho những chế độ kế tiếp.
Trên mặt an ninh quốc gia, hay một cách đặc thù hơn, trên mặt quốc phòng,
hai năm 1961 và 1962 đã là hai năm khốn đốn cho chế độ, nhưng khía cạnh
đó cũng chưa đủ để cho miền Nam sau này hoàn toàn kiệt quệ và buông
súng đầu hàng vào mùa Xuân 1975.
Phải có những yếu tố khác sâu sắc hơn, trầm trọng hơn đã làm hủy hoại sinh
lực của dân tộc, đã làm tiêu hủy mọi nỗ lực tội nghiệp của nhân dân miền
Nam trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản.
Những yếu tố đó là sự băng hoại xã hội do hệ thống tham nhũng có kế
hoạch và có chỉ đạo của vợ chồng Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Ngô
Đình Cẩn; và chính sách kỳ thị tôn giáo có chủ trương và có sách lược của
dòng họ Ngô Đình mà tôi sẽ trình bày trong các chương tiếp. Vì hai yếu tố
đó có tính cách văn hóa nên bao trùm mọi sinh hoạt của xã hội và tác dụng
lên mọi kích thước sinh sống của người dân, cho nên chính hai yếu tố này
đã là những loại độc dược góp phần tiêu hủy chế độ trong cấp kỳ, và chậm
rãi mà chắc chắn đánh gục quốc gia trong lâu dài.
Chú thích:
[1] Bernard C. Nalty, Rival Ideologies in Divided Nations (Vietnam War), tr.
62.
[2] Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh Cha Tôi, trong tuần báo Đồng Nai (số
110 ngày 27-7-1985)
[3] Trần Tương, Biến Cố 11-11-1960, tr. 584.
[4] George Chaffard, Les Deux Guerres du Vietnam, tr. 313.
[5] Lyndon B. Johnson, The Vantage Point, tr. 52-53.
[6] William Hammond, US Intervention And The Fall Of Diem (Vietnam
War), tr. 64.
[7] Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa, tr.
383.