già. Năm 1960, ông Luật tích cực tham gia nhóm Caravelle, ra tuyên ngôn
lên án chế độ Ngô Đình Diệm như tôi đã trình bày trong một chương trước.
Tôi vốn chỉ biết mà không quen ông Lê Quang Luật, nhưng sau khi lật đổ
chế độ Diệm, một nhóm bốn người, hai Công giáo và hai Phật giáo, tuy ở
những vị thế khác nhau nhưng lại cùng chung chí hướng, đã gặp gỡ tôi và
trở nên bạn chí thiết của tôi cho đến ngày nay. Đó là luật sư Lê Quang Luật,
học giả Mai Ngọc Liệu (hiện ở California), nhà báo tên tuổi Vũ Ngọc Các
(đảng viên cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng), và luật sư trẻ Trần
Thanh Hiệp (hiện ở Paris), một nhà văn tên tuổi đầy nhiệt tình, nhiệt huyết
trong các hoạt động văn hoá và chính trị. Lúc bấy giờ tôi là Uỷ viên Chính
trị của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, lại được bốn nhân vật kia cho
rằng dưới chế độ Diệm, chẳng những tôi "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi
bùn" lại còn hay giúp đỡ các nhân vật đảng phái bị hoạn nạn nên họ muốn
giúp tôi hoạt động chính trị trong tân chế độ. Họ cho xuất bản nhật báo Dân
Chủ để vinh danh cuộc cách mạng ngày 1-11-1963 và tranh đấu đòi hỏi Hội
Đồng Cách Mạng thiết lập một chế độ dân chủ để thực hiện đại đoàn kết
quốc gia hầu cứu vãn tình hình để chiến thắng Cộng Sản.
Nhưng rồi vì những xáo trộn chính trị liên tiếp xảy ra sau đó nên tôi về hưu
sớm vào đầu năm 1965, dù vậy bốn nhân vật kia vẫn giữ mối tình tri kỷ, vẫn
thường lui tới với tôi, đặc biệt là Lê Quang Luật. Anh bận công việc luật sư
ở Biên Hoà nhưng mỗi tháng anh vẫn đến nhà tôi ít nhất vài lần. Mỗi lần
như thế hai chúng tôi lại ngồi với nhau luận bàn chuyện Đông Tây Kim Cổ
đến bốn, năm tiếng đồng hồ. Điều quý nhất là không có Tết nào mà ngày
mồng Hai anh lại không đến chúc Tết tôi. Có lần anh đã khen tôi là người
thích đọc chuyện cũ nên thấm nhuần tư tưởng của người xưa, biết bỏ tình
riêng để theo nghĩa lớn, biết hiện đại hoá quan niệm để hiểu chữ trung với
dân với nước hơn là trung với chế độ, với lãnh tụ. Tôi mừng thầm nghĩ rằng
"Tiếng đàn Bá Nha đã thấu được tai Tử Kỳ".
Thời Nguyễn Văn Thiệu, Luật ra ứng cử Dân biểu tại Biên Hoà, đặt hy vọng
vào số phiếu của cử tri Công giáo di cư ở Hố Nai, nhưng Luật thất cử. Gặp
tôi, khi rượu đã mềm môi và tâm sự đã dạt dào, Luật không giữ được vẻ
bình tĩnh đằm thắm cố hữu, anh nặng lời nguyền rủa các ông linh mục Hố