Hoàng Bảo Đại. Ông Giáo là một chính trị gia nhìn xa thấy rộng, hoạt bát,
lanh lợi, và rất bình dân. Đối với binh sĩ và cán bộ dân sự thường phải trực
tiếp đối đầu với hiểm nguy, ông coi họ như bà con ruột thịt, thường giúp đỡ
tiền bạc mỗi khi họ túng thiếu. Thỉnh thoảng ông đi hành quân với binh sĩ,
ngủ lại đêm với họ ở những tiền đồn hẻo lánh xa xôi.
Về Huế nhậm chức Tổng trấn, việc đầu tiên của ông là tiến hành việc tổ
chức và xây dựng một quân đội quốc gia tại miền Trung mà ông có tham
vọng sẽ thay thế quân đội Pháp. Ông xin đại uý Nguyễn Ngọc Lễ, lúc bấy
giờ đang làm việc trong quân đội Pháp, về giữ chức Tư lệnh đội quân quốc
gia mà ông đặt tên là Việt Binh Đoàn. Theo ông Giáo, Việt Binh Đoàn là
V.B.Đ. ngầm ý là vua "Vua Bảo Đại", "Vì Bảo Đại", hay "Với Bảo Đại".
Đại uý Nguyễn Ngọc Lễ dù cấp số thuộc quân đội Pháp nhưng là một phần
tử quốc gia yêu nước mà nhà văn Nguyễn Vỹ có đề cập đến trong tác phẩm
Tuấn, chàng trai nước Việt. Ông Lễ, từ khi chuyển qua Việt Binh Đoàn
được thăng cấp thiếu tá, là một người hiền hậu, chân thành, ông xem binh sĩ
cấp dưới như anh em ruột thịt trong nhà.
Với chỉ tiêu của đợt thành lập đầu tiên là 10.000 quân nhân cho quân lực
Việt Binh Đoàn, ông Lễ có rất nhiều cộng sự viên có khả năng trong bộ
tham mưu của ông. Do đó, tuy không quen nhau từ trước nhưng chỉ vì có
nghe đến khả năng tham mưu và thành tích đấu tranh của tôi mà ông cho
mời tôi đến và hợp tác. Trong buổi hội kiến đầu tiên, điều làm cho tôi ngạc
nhiên thật sự và có phần nào cảm phục là ông Lễ (và cả ông Giáo) đều biết
tôi là một cán bộ nòng cốt của tổ chức ông Diệm, đối thủ trực tiếp và đáng
kể của cả hai ông, thế mà vì nhu cầu quốc gia, hai ông đã không ngần ngại
kêu gọi làm việc chung.
Sau khi hội ý với một số anh em, tôi quyết định nhận lời để duy trì sự hiện
diện của mình trong một bộ phận trung ương của quân đội tương lai. Tôi
được giữ chức Trưởng Phòng Ba, đặc trách về tổ chức, huấn luyện, và hành
quân, đồng thời kiêm nhiệm chức chủ nhiệm tuần báo Tiếng Kèn, cơ quan