Sơ lược
Trong thế kỷ thứ ba trước C.N, nhóm người Hán với cái nôi là lưu vực
sông Hoàng Hà, thống nhất vào tay mình toàn bộ Trung Quốc, đặc biệt gộp
vào trong một đế quốc tập trung những bộ tộc khác nhau cư trú ở miền nam
Trung Quốc, phía nam sông Dương Tử. Đế quốc phong kiến này chẳng bao
lâu đã phát triển nhanh vế phía nam. Năm 111 trước CN, triều đại nhà Hán
phái quân chinh phục Nam Việt, vương quốc do Triệu Đà lập nên năm 179,
bằng cách tập trung vào tay mình vương quốc Âu Lạc và một số lãnh thổ
thuộc miền Nam Trung Quốc.
Người Hán sáp nhập đất đai Âu Lạc vào đế quốc của mình, lập ra quận
Giao Chỉ, chia thành nhiều tỉnh, huyện; ba tỉnh bao gồm miền Bắc Việt
Nam hiện nay đến tận vĩ tuyến thứ 16, theo tài liệu của người Hán lúc đó
gồm có 981.735 dân. Từ đó lịch sử Việt Nam diễn biến dưới sự tác động
kết hợp của hai nhân tố trái ngược nhau: một mặt là chính sách bóc lột kinh
tế và đồng hóa về văn hóa, mặt khác, là sự chống cự bền bỉ của nhân dân
được đánh dấu bằng những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống ách đô hộ nước
ngoài, một sự chống cự kéo dài nhiều thế kỷ, rốt cuộc đã bảo toàn được bản
sắc dân tộc Việt Nam, làm nảy nở ý thức dân tộc, dẫn đến sự ra đời của một
nhà nước Việt Nam độc lập. Văn hóa dân tộc vừa bảo tồn được bản sắc độc
đáo của mình, đồng thời hấp thu nhiều yếu tố của nền văn hóa Trung Quốc,
trong mọi lĩnh vực. Hơn mười thế kỷ đã trôi qua như vậy, dẫn đến một sự
biến đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam.