Chính sách đế quốc của người Hán
Lúc đầu, người Hán duy trì sử dụng chế độ lạc hầu và lạc tướng, tức là
những thủ lĩnh dân sự và quân sự của các cộng đồng cổ, dần dần họ thay
thế lớp người này bằng những viên chức do triều đình bổ nhiệm để cai trị
cho đến tận cấp tỉnh và huyện(3 tỉnh, 56 huyện). Ở mỗi huyện là nhiệm sở
của một viên quan có tường thành và công sự bao bọc. Những viên quan đó
không thể nào kiểm soát được một cách trực tiếp các làng xã ở nông thôn,
là nơi cư trú của đại đa số dân chúng, cho nên bộ máy cai trị của người Hán
chỉ có thể tỏa ra khắp nước một cách từ từ trước sự chống đối ngoan cường
của dân chúng. Các viên chức đến từ Trung Quốc kéo theo một lũ sai nha
và bà con, trong số này nhiều kẻ rốt cuộc ở lại luôn không về nước.
Dân chúng phải đóng một thứ thuế kép: cống vật cho hoàng đế Trung
Hoa và những thuế, lệ phí, lao dịch để nuôi bộ máy cai trị và quân sự tại
chỗ. Cống vật cho thiên triều gồm chủ yếu những sản phẩm nhiệt đới quý
giá: ngà voi, xà cừ ngọc trai, gỗ trầm hương. Các văn bản Trung Quốc ở
thời kỳ ấy đã ca ngợi sự dồi dào và phong phú của các sản phẩm phương
Nam. Các thứ hoa quả nhiệt đới, những sản phẩm thủ công nghiệp, vải vóc,
đồ vật bằng vàng hay bằng bạc chạm trổ, đồ khảm xà cừ cũng buộc phải
cống nạp. Một số thợ thủ công bị đày sang Trung Quốc để làm việc cho
triều đình Trung Quốc, trong khi một số bộ phận dân chúng buộc phải vào
rừng săn voi và tê giác, lặn xuống biển để mò ngọc trai hay san hô.
Mỗi người dân phải đóng thuế thân, mỗi mảnh đất khai thác phải đóng
thuế đất, dân chúng còn buộc phải làm lao dịch để đào kênh mương, đắp
đường, xây thành. Nhiều tài liệu Trung Quốc đã kể về những cuộc nổi loạn
do sự bóc lột có hệ thống này và những thủ đoạn bóp nặn của bọn quan lại
thiên triều gây ra.
Đồng thời, một đế quốc cần phải được thông nhất về tất cả mọi phương
diện, nên bọn phong kiến nhà Hán đã thực hiện một chính sách đồng hóa có
hệ thống. Sự quan tâm đầu tiên của chúng là bắt buộc dân chúng phải tôn