Những biến cố xã hội - Kinh tế
Sự bóc lột kinh tế của kẻ chiếm đóng đã ngăn cản nhưng không thể kìm
hãm hoàn toàn sự phát triển của các lực lượng sản xuất. Các di vật tìm thấy
trong những mộ được khai quật có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ
thứ sáu sau C.N, cho thấy một sự khuếch tán dần dần các công cụ bằng sắt,
dụng cụ sản xuất, vũ khí đã có từ thời trước. Những nồi bằng sắt, những
chiếc đinh, những kiềng ba chân xuất hiện, trong khi các đồ đồng hiếm dần.
Chỉ có trống đồng là vẫn còn tồn tại hàng thế kỷ nữa.
Vào thế kỷ thứ nhất sau C.N, việc cày ruộng với lưỡi cày bằng sắt do bò
hay trâu kéo dần đần thay thế việc đốt nương làm rẫy. Đặc biệt những công
trình thủy lợi, những kênh, đê điều đảm bảo chế ngự được nước; người ta
sử dụng phân bón để trồng trọt thâm canh, đặc biệt việc trồng hai vụ một
năm trên những miếng đất được tưới nước đầy đủ. Người ta đã biết trồng
các thứ cây có củ, đặc biệt là khoai lang, mía và cây dâu cũng như các loài
rau và cây ăn quả khác nhau. Việc trồng dâu nuôi tằm giữ một vị trí đặc
biệt. Cũng phải kể đến việc trồng cây trầu không và cau, một số cây thuốc,
tre và mây để đan rổ rá. Vậy là ngay từ những thế kỷ đầu tiên đã có một
nền nông nghiệp đa dạng mà những kỹ thuật thực hành điêu luyện còn
truyền đến nhiều thời kỳ sau.
Thủ công nghiệp cũng đã đạt đến một trình độ tương đối cao, người ta đã
biết rèn nhiều dụng cụ bằng sắt, bằng đồng; nghề gốm vốn đã rất phát triển
từ thời kỳ trước, nay được bổ sung thêm sứ tráng men. Các di tích thành
quách, chùa chiền, mồ mả, cho thấy rằng gạch và ngói đã được sản xuất dồi
dào. Một số gạch và ngói được phủ men.
Hai nghề thủ công phồn thịnh nhất là nghề dệt vải và đan lát. Vải vóc
bằng bông, tơ lụa, rổ rá đan bằng tre, mây là những sản phẩm rất được ưa
thích. Vào thế kỷ thứ ba sau C.N, người ta bắt đầu sản xuất giấy, với kỹ
thuật nhập từ Trung Quốc. Từ Trung Quốc và Ấn Độ, kỹ thuật sản xuất
thủy tinh cũng đã du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ này. Để thỏa mãn