trọng là hai bên thường xuyên tiếp xúc với nhau để tiến hành trao đổi quan
điểm về những vấn đề thuộc lợi ích chung”.
Thiệu không hề ngừng các cuộc hành quân, cho ném bom vào sâu trong
các vùng giải phóng, lợi dụng những dịp mưa bão để tăng cường “bình
định”. Ngày 6 tháng 11, pháo binh giải phóng tung ra một đòn cảnh cáo
nghiêm khắc bằng cách nã đạn vào sân bay Biên Hòa, nơi xuất phát các
máy bay ném bom. Tháng 11, 7 máy bay của Sài Gòn bị bắn hạ ở tỉnh
Quảng Đức; tháng 12, khi Sài Gòn tăng cường ném bom các vùng tự do,
các lực lượng giải phóng không còn án binh bất động nữa: họ đốt cháy các
kho xăng ở ngay Sài Gòn, hoặc phá hủy những kho vũ khí ở gần Plâycu.
Năm 1974 bắt đầu bằng những lời tuyên bố hiếu chiến của Thiệu và của
Schlesinger, trong khi Lầu Năm Góc gửi sang cho Thiệu những máy bay
F5E tối hiện đại. Nixon xin Quốc hội Mỹ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho
Thiệu. Máy bay Sài Gòn thậm chí xả súng bắn cả vào trụ sở ủy ban quốc tế
kiểm soát và những địa điểm được chọn làm nơi trao trả tù binh. Ngày 19
tháng giêng, nhiều tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, với sự đồng tình
của hạm đội VII của Mỹ, đuổi quân đội Sài Gòn ra khỏi quần đảo Hoàng
Sa...
Tháng hai, các lực lượng yêu nước tấn công sân bay Quảng Ngãi. Tháng
ba, họ giáng cho tiểu đoàn 62 biệt kích biên phòng của ngụy một tổn thất
rất nặng nề(mất 1/2 quân số) trong tỉnh Công Tum. Tháng tư, căn cứ Tống
Lê Chân, nơi xuất phát nhiều cuộc hành quân lấn chiếm, bị bao vây và pháo
kích dữ dội, buộc quân chiếm đóng phải bỏ căn cứ. Thiệu ra lệnh ném bom
Lộc Ninh và nhiều địa phương khác trong nhiều ngày, hoãn vô thời hạn các
cuộc thương thuyết ở Saint- Cloud. Nixon và Kissinger ra sức thuyết phục
Quốc hội Mỹ tăng đáng kể viện trợ quân sự và kinh tế cho Thiệu, viện cớ
một ''sự cam kết tinh thần'', mà theo họ, Mỹ đã hứa với tên bù nhìn Sài
Gòn. Từ sau khi ký Hiệp định Paris, sự cam kết này đã được thể hiện bằng
việc gửi sang cho Thiệu 1 triệu tấn bom đạn 1.100 xe tăng và xe bọc thép,
800 đại bác, 700 máy bay, 200 tàu chiến hoạt động trên biển và trên sông.