đoàn này đều bị quân giải phóng chiếm được trong tình trạng còn hoàn toàn
nguyên vẹn. Sau thành phố, đến lượt cả tỉnh Ninh Thuận được giải phóng.
Ba ngày sau, đến lượt cảng Phan Thiết, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận, những
đơn vị hải quân Sài Gòn tìm cách giải cứu các đội quân đang tháo chạy đều
bị pháo binh của quân giải phóng bắn chặn, một chiếc tàu bị bắn chìm.
Sau khi Phan Rang, Phan Thiết thất thu, vòng phòng thủ Sài Gòn được
xiết chặt lại: ở phía đông, trên quốc lộ I, sư đoàn 18 phải bảo vệ chốt quan
trọng là Xuân Lộc, cách Sài Gòn 70 km; về phía tây, trên con đường 13, sư
đoàn 5 cụm lại xung quanh Thủ Dầu Một, cách Sài Gòn khoảng 40km; trên
đường số 1, ở đoạn phía tây đi lên Tây Ninh, tàn dư của các sư đoàn 22 và
23 đóng chốt; con đường số 4, huyết mạch sống còn nối liền Sài Gòn với
vùng châu thổ sông Mê Kông, được giao cho 2 sư đoàn tinh nhuệ sư 7 và
sư 9; khu vực nam do sư đoàn 25 bảo vệ.
Chính Xuân Lộc là nơi bộ chỉ huy Sài Gòn tập trung binh lực mạnh nhất.
Đối với họ, đây là trận đánh nhằm chứng tỏ rằng sức chiến đấu của quân
đội Sài Gòn còn có thể được giữ vững và nâng cao. Một chiến dịch tuyên
truyền ầm ĩ được dàn dựng để cố vực dậy tinh thần quân đội đã bị suy sụp
nghiêm trọng bởi những thất bại trong các tuần lễ trước đó. Việc phi công
Nguyễn Thành Trung ném bom xuống dinh của Thiệu và sau đó bay sang
phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời ngày 18 tháng 4 là một dấu hiệu
không thể nghi ngờ chứng tỏ sự bại hoại tinh thần của quân đội Thiệu.
Weyand, tham mưu trưởng quân đội Mỹ có mặt tại Sài Gòn để động viên
bọn tay sai và theo dõi sát quá trình các cuộc hành quân. Người ta chăm
chú theo dõi từng ly từng tí nhằm phát hiện mọi biểu hiện nhỏ nhất của sự
phục hồi tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Tướng Lê Minh Đạo,
được coi là một trong số sĩ quan giỏi nhất của Sài Gòn, chỉ huy cứ điểm
Xuân Lộc, tuyên thệ sẽ bảo vệ vị trí này cho đến chết.
Không chờ cho đến khi giải phóng các vị trí xa là Phan Rang và Phan
Thiết, ngày 9 tháng 4 các lực lượng nhân dân chuyển sang tấn công trên
mặt trận Xuân Lộc. Sài Gòn cho tăng viện một lữ đoàn dù, một lữ đoàn
thiết giáp, và quân đội Sài Gòn cố bám trụ lại trong các công sự đã bị lực